Lạc Dương với mục tiêu 8.480 ha rau an toàn

VĂN VIỆT 06:51, 23/07/2024

Để đạt mục tiêu phát triển 8.480 ha rau an toàn vào năm 2030 gắn với sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ, huyện Lạc Dương đã thông qua nhiều giải pháp mở rộng các vùng sản xuất tâp trung, áp dụng quy trình công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương. 

Nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận rau hữu cơ trên địa bàn huyện Lạc Dương, 
đã tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật
Nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận rau hữu cơ trên địa bàn huyện Lạc Dương, đã tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật

LỢI THẾ NHIỀU LOẠI RAU CHỦ LỰC

Huyện Lạc Dương hiện đang sản xuất các loại rau chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, trong đó đáng kể nhiều diện tích nhất với 6.255 ha rau lấy lá (cải xoong, rau xà lách, cải thảo, cải bắp, bó xôi..); tiếp theo với 270 ha rau lấy quả (ớt chuông, ớt ngọt, cà chua trái cây, cà chua beef…); còn lại với các diện tích 200 ha rau lấy củ, rễ, thân (hành tây, hành boa rô, cần tây...); 140 ha rau họ đậu (đậu cô ve, đậu Hà Lan...); 125 ha khoai tây; 543 ha các loai rau khác còn lại. Trên cơ sở này, huyện Lạc Dương xây dựng quy hoạch, định hướng các vùng sản xuất rau tập trung có quy mô lớn phù hợp từng vùng trọng điểm để cấp mã số vùng trồng, cũng như cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Riêng các cơ sở sản xuất giống rau các loại hiện có tiếp tục được hỗ trợ nâng cao năng lực tập trung sản xuất, đảm bảo số lượng, chất lượng giống phục vụ nhu cầu chuyển đổi trên địa bàn.

Qua đó, huyện Lạc Dương thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác trở thành hạt nhân của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ. Ngoài ra phát triển các sản phẩm OCOP đối với rau các loại có thế mạnh địa phương gắn với quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ số trong quản lý chuỗi, theo dõi từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch đến vận chuyển đến nơi tiêu thụ; sử dụng công nghệ QR code, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm quản lý để nhận diện quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm rau an toàn.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Lạc Dương có khoảng 50 đơn vị chế biến nông sản, nhưng phần lớn quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản chưa đáp ứng nhu cầu từng mùa vụ rau, củ, quả, dẫn đến sản lượng thu hoạch lớn còn bán tươi, bán thô dạng nguyên liệu, sản phẩm chế biến sâu tỷ lệ còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Trong khi đó, việc liên kết giữa quy mô, chủng loại rau sản xuất với nhu cầu thị trường tiêu thụ một số mô hình chưa chặt chẽ, còn xảy ra hiện tượng sản phẩm cung không đủ cầu hoặc cung vượt cầu…

• TRÊN 60% SẢN PHẨM RAU AN TOÀN TIÊU THỤ QUA HỢP ĐỒNG

Bởi vậy, giải pháp đến năm 2030, huyện Lạc Dương ưu tiên thu hút đầu tư các dự án, cơ sở có công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến rau cấp đông, sấy khô, sấy lạnh, sấy thăng hoa, sản phẩm nước ép, bột rau. Đồng thời nhân rộng các trung tâm sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm truy xuất nguồn gốc tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, góp phần đạt tỷ lệ 60% sản lượng rau sơ chế, chế biến trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, huyện Lạc Dương phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững; nâng tỷ lệ sản phẩm rau an toàn tiêu thụ qua hợp đồng đạt trên 60%. Ngoài ra còn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn gắn với xây dựng mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa kênh phân phối, hình thành sàn giao dịch, chợ đầu mối; đẩy mạnh hoạt động triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu.

“Tổ chức rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây rau giống mới các loại có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trong nước và toàn cầu giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, ngân hàng, từ đó nhân rộng phương thức sản xuất theo đơn đặt hàng từ nhu cầu thị trường…”, ngành Nông nghiệp huyện Lạc Dương nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm, xuyên suốt đến năm 20230.

Từ đó mục tiêu đến năm 2030 của huyện Lạc Dương đạt khoảng 8.480 ha diện tích gieo trồng rau an toàn nói trên, trong đó diện tích rau an toàn tập trung khoảng 2.500 ha, sản lượng đạt 3 - 3,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, phấn đấu đạt 50% sản lượng rau truy xuất nguồn gốc; trên 1.000 ha rau được cấp giấy chứng nhận an toàn; 100% sản phẩm rau an toàn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ…