Nâng cao Chỉ số PCI và PGI trên lĩnh vực nông nghiệp

VĂN VIỆT 06:26, 16/07/2024

Trên cơ sở đánh giá năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xác định hệ thống giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) trên lĩnh vực quản lý của mình cao hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Để nâng cao chỉ số “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phát triển liên kết chuỗi để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Để nâng cao chỉ số “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phát triển liên kết chuỗi để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

CẢI THIỆN CHỈ SỐ THẤP ĐIỂM, GIẢM ĐIỂM

Mục tiêu trong năm 2024, Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nâng điểm 5 chỉ số thành phần được đánh giá cải thiện điểm số trong năm 2023 gồm: 1 chỉ số gia nhập thị trường (7,85 điểm), xếp hạng thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước; 4 chỉ số cạnh tranh bình đẳng (5,76 điểm), tính minh bạch (5,92 điểm), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (5,98 điểm), chi phí thời gian (7,28 điểm), lần lượt xếp hạng trong 63 tỉnh, thành cả nước với số thứ tự 32, 43, 47 và 54. 

Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện 5 chỉ số thấp điểm, giảm điểm trong năm 2023 là: đào tạo lao động giảm 0,07 điểm; tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh giảm 0,39 điểm; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất giảm 1,41 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự giảm 1,42 điểm; chi phí không chính thức giảm 1,11 điểm. So với 63 tỉnh, thành trong cả nước, xếp hạng của tỉnh Lâm Đồng với 5 chỉ số này lần lượt thứ 40, 46, 50, 54 và 62. 

Theo từng nhiệm vụ, chức năng, các đơn vị, phòng, ban trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện và nâng cao 10 Chỉ số PCI và PGI trong năm 2024 nói trên. Tiêu biểu như chỉ số “chi phí gia nhập thị trường” giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, đúng quy định, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh danh mục dự án thu hút đầu tư nông nghiệp, phát triển nông thôn để lồng ghép hoạt động giới thiệu, phổ biến trên địa bàn. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục trực tuyến; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 

• XÂY DỰNG DANH MỤC GIÚP DOANH NGHIỆP LỰA CHỌN ĐẦU TƯ 

Với chỉ số “tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất”, xác định giải pháp công khai kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; xây dựng danh mục giúp doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp. Qua đó tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi về đất đai; nhất quán chủ trương giao đất, cho thuê đất và thu hút đầu tư. Đồng thời quản lý chặt chẽ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất theo pháp luật; kiểm tra, đề xuất xử lý các dự án, diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. 

Với chỉ số “tính minh bạch” cần xây dựng nền tảng dữ liệu số của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tích hợp trong hệ thống dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu và sử dụng thông tin. Đặc biệt tiếp nhận thông tin hai chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, người dân bằng hình thức trực tuyến đóng góp, phản biện cơ chế, chính sách; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát thủ tục hành chính liên quan đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện...

Và để nâng cao chỉ số “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” cần tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường; hàng năm tổ chức tập huấn bồi dưỡng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức chuyên môn về phân bón, thuốc bảo vệ, giống cây trồng và lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. “Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Nhập khẩu giống hoa có bản quyền phát triển sản xuất giai đoạn 2021-2025”, hướng dẫn lập hồ sơ, đánh giá và tham mưu cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận hành hiệu quả trang thương mại điện tử nongsandalatlamdong.vn; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hoạt động khuyến nông, phát triển liên kết chuỗi, đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Lâm Đồng nhấn mạnh.