Mảnh đất Thôn 2, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông còn rất khó khăn, với những mảnh ruộng, vườn trên dốc cao chất ngất. Một người nông dân bản địa đang đón những trái sầu riêng ngọt đầu mùa.
Ông Triếk Krằng bên vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch |
Ông Triếk Krằng, nông dân Thôn 2, xã Liêng S'rônh đang chờ ngày thu hoạch những trái sầu riêng đầu vụ. Là một trong những nông dân hiếm hoi của Thôn 2 tại vườn bắt đầu có trái thu hoạch, ông Triếk Krằng đang rất phấn khởi vào tương lai cho cây sầu riêng. Ông Triếk Krằng kể lại, 3 ha đất của gia đình ông rất dốc, trước đây trồng cây cà phê. Tuy nhiên, đất dốc, cà phê khó chăm sóc nên năng suất cũng không được cao. Bởi vậy, học hỏi những nông dân, những vườn trồng sầu riêng lân cận, năm 2019, ông Triếk Krằng quyết định xuống giống, trồng xen sầu riêng vào rẫy cà phê. Với địa hình nơi đây quá dốc, việc chăm sóc, đi lại thực sự rất khó khăn đối với gia đình ông. Mang được một bao phân lên đỉnh để bón cho cà phê, sầu riêng cũng tốn rất nhiều công sức. Dù vậy, chủ yếu vẫn là người nhà tự bỏ công sức lao động để chăm sóc khu vườn.
Tuy đất dốc gây khó khăn cho việc chăm sóc nhưng sầu riêng trồng trên đất dốc cũng có lợi thế, ông Triếk Krằng đánh giá. Trồng cây sầu riêng, nông dân sợ nhất việc bộ rễ bị úng nước, gây bệnh. Khi trồng trên đất dốc, do phân tầng mạnh, đất dễ trôi nước nên cây ít bị cạnh tranh ánh sáng, rễ khoẻ. Cũng vì vậy, vườn sầu riêng của ông khỏe mạnh và rất ít phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ông Triếk Krằng chia sẻ: “Cây sầu riêng là cây trồng rất khó tính, bản thân tôi trồng sầu riêng cũng thấy khó vì kĩ thuật cao, đòi hỏi lượng phân hữu cơ, phân Kali, bón đúng, bỏ đủ. Như khi vườn sầu riêng đang có trái, chỉ cần cây ra một đợt đọt non là trái rụng sạch. Tôi phải học những nhà vườn lân cận phun phân Kali nồng độ cao để cháy đọt, dinh dưỡng tập trung cho trái. Chỉ cần không để ý, không nắm được kỹ thuật, người trồng sầu riêng không có thu”.
Ông Triếk Krằng cũng thừa nhận, mức đầu tư cho một cây sầu riêng là rất cao, từ 2-3 triệu đồng/gốc khi trồng cho đến khi thu hoạch. Cộng với thời gian chờ đợi khá lâu, trồng sầu riêng vẫn rất khó khăn với người nông dân, nhất là nông dân điều kiện kinh tế chưa tốt, sống tại vùng sâu, vùng xa như gia đình ông. Để giải quyết vấn đề, ông Triếk Krằng đã vay được vốn từ ngân hàng để đầu tư cho vườn sầu riêng. May mắn, vụ mùa sầu riêng 2024, gia đình ông Triếk Krằng đã thu được lứa trái bói. Ông cho biết, đợt thu bói này được 180 cây có trái, thương nhân đã tới thu mua, kiểm đếm và xác định có 2.000 trái đạt chuẩn loại một, khối lượng khoảng 6 tấn. Ông cũng cung cấp giá, thương lái đặt giá 78 ngàn đồng/kg. Ông vui mừng cho biết, với mức giá đó, dù là sầu riêng đầu mùa, ông vẫn nhận thấy hiệu quả của vườn sầu riêng.
Ông Triếk Krằng cũng là một nông dân nhạy bén với thị trường. Ông đang cùng cả vùng sầu riêng Đam Rông xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng. Bản thân vườn của ông đang thực hiện mã số vùng trồng, đáp ứng quy trình canh tác an toàn của ngành Nông nghiệp để trái sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu. Ông cung cấp, cán bộ ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn gia đình phun thuốc đúng kĩ thuật, dùng thuốc đúng danh mục, các loại phân bón cũng được kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng trái sầu riêng thơm, ngọt và không có dư lượng chất cấm.
Từ tấm gương của ông Triếk Krằng, bà con vùng Thôn 2, xã Liêng S'rônh cũng đang tích cực trồng xen sầu riêng vào diện tích cà phê. Ông Triếk Krằng nhận xét, trồng xen sầu riêng vào cà phê, trong giai đoạn sầu riêng kiến thiết, vẫn phải đầu tư, chăm sóc thì cây cà phê sẽ giúp bà con nông dân có thu nhập đều đặn hằng năm. Ông cũng đánh giá, với những nông hộ có điều kiện, đất dốc là một lợi thế. Ngoài việc đất dốc giúp cây sầu riêng khỏe mạnh, ít bệnh, đất dốc chỉ cần đầu tư một hồ tưới trên đỉnh, sau đó lắp đặt hệ thống ống và van tưới là có được hệ thống tưới tự động hoàn chỉnh với chi phí thấp, không cần sử dụng máy bơm. Về lâu dài, đầu tư hồ chứa, hệ thống ống sẽ giúp vườn sầu riêng chủ động được nước tưới cũng như tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Ông Kơ Să K’Rim - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêng S'rônh đánh giá, hộ ông Triếk Krằng là nông hộ rất mạnh dạn trong thay đổi cơ cấu cây trồng. Xã Liêng S'rônh đất hầu hết rất dốc, hộ ông Triếk Krằng đã mạnh dạn đốn bớt cà phê, trồng sầu riêng Thái Monthon và năm 2024, ông Triếk Krằng đã có vụ mùa đầu tiên với 6 tấn. Đây là một tín hiệu rất vui với người nông dân vùng xa Liêng S'rônh, giúp bà con mạnh dạn đầu tư, vươn lên từ đất. Xã Liêng S'rônh cũng đang tích cực vận động bà con nông dân trồng sầu riêng thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu trái sầu riêng Đam Rông, xây dựng sản phẩm OCOP để đưa trái sầu riêng đi xa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin