Tân Thượng mùa sầu riêng chín sớm

DIỆP QUỲNH 05:55, 11/07/2024

Là vùng trồng sầu riêng cho thu hoạch sớm nhất của huyện Di Linh, những ngày này, nông dân trên địa bàn xã Tân Thượng đang tất bật vào vụ thu hoạch sầu riêng. Trên tuyến đường vào khu sản xuất, xe vận chuyển sầu riêng về vựa tấp nập, thương lái từng nhóm đi chọn quả, xem vườn, chốt giá.

Sầu riêng Tân Thượng theo xe xuất khẩu
Sầu riêng Tân Thượng theo xe xuất khẩu

 

Gia đình ông Võ Đình Hưng, Thôn 2, xã Tân Thượng đang trong vụ thu hoạch. Gần 12 ha sầu riêng, với 6 ha đang cho thu hoạch của ông Hưng hi vọng đạt 180 tấn mùa này. Những trái sầu riêng Thái Monthon vừa phải được người cắt, người vận chuyển nâng niu từng chút. Ông Hưng bảo, vườn sầu riêng của ông vừa được cấp mã số vùng trồng với Công ty TNHH Hùng Cường. Do đây là sầu riêng thu hoạch phục vụ xuất khẩu trái tươi nên người cắt lẫn người vận chuyển đều rất cẩn thận, tránh để dập, gãy, sứt gai, ảnh hưởng tới mẫu mã trái sầu riêng. Ông Hưng cũng thông tin, vườn ông đã chốt giá với doanh nghiệp giá 80 ngàn đồng/kg sầu riêng loại nhất, một mức giá cao so với vụ sầu riêng 2023.

Vùng trồng sầu riêng tại khu vực Thuỷ điện Đồng Nai 2, xã Tân Thượng có khoảng 80 ha. Khu vực này sầu riêng được đánh giá có chất lượng cao, múi ngon, vàng, ngọt dịu và trái đẹp. Ông Trương Công Châu đang canh tác khoảng 1,5 ha sầu riêng tại đây chia sẻ: Năm nay sầu riêng dù không có giá đột biến như năm ngoái nhưng ngược lại giá cả lại ổn định, không biến động nhiều. Ông Châu thông tin, sầu riêng vùng Thôn 2, dọc lòng hồ thuỷ điện chín sớm hơn hẳn so với vùng sầu riêng Di Linh nói chung. Nếu Di Linh, các xã vùng ngoài sầu riêng  chín rộ vào tháng 8 thì người nông dân vùng lòng hồ được thu ngay từ tháng 6. “Sầu riêng ở đây chín sớm hơn vì lòng hồ này nóng hơn các chỗ khác do ảnh hưởng của tiểu khí hậu khu vực Đồng Nai. Vì vậy, sầu riêng lòng hồ giá cũng tốt hơn những vùng khác, lại rất dễ bán. Năm nay, nông dân rất mừng vì sầu riêng vừa được mùa, lại được giá”, ông Châu chia sẻ niềm vui của người Tân Thượng.

Gia đình ông K’Sèn, Thôn 3, Tân Thượng cũng đang chuẩn bị thu khoảng 400 cây sầu riêng Monthon, Ri6. Là một trong những nông hộ người dân tộc thiểu số trồng sầu riêng từ nhiều năm nay, ông K’Sèn dự tính hàng sầu riêng nhất xuất khẩu của gia đình cũng tầm 35 - 40 tấn, còn lại là hàng nhì và hàng dạt. Với giá thu mua từ 70 - 80 ngàn đồng/kg, ông K’Sèn có thu nhập tiền tỉ từ vườn sầu riêng 2,5 ha. Ông cho biết, các nông hộ trong xã đều bắt đầu trồng sầu riêng, chủ yếu là xen canh trong vườn cà phê.  
 
Bà Lê Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND xã Tân Thượng cho hay, sầu riêng trúng mùa, được giá đã góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cho nhiều nông dân. Tân Thượng là xã thuần nông, vùng xa của huyện Di Linh. Xã có xấp xỉ 6 ngàn nhân khẩu thì trong đó, có tới 95% là cư dân người dân tộc thiểu số. Trước đây, đời sống kinh tế rất khó khăn. Nhưng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vươn lên học hỏi, thay đổi tư duy của bà con, cơ cấu kinh tế đã thay đổi. Trong đó, cây sầu riêng trở thành cây trồng mang lại thu nhập tốt cho người Tân Thượng. Bà Lê Thị Thanh Nga thông tin, toàn xã đang có xấp xỉ 700 ha sầu riêng, có 285 ha đang cho thu hoạch. Với đặc thù tiểu khí hậu nóng hơn các khu vực trong huyện, Tân Thượng cho thu hoạch sầu riêng rất sớm, nhất là khu vực lòng hồ, nơi tập trung diện tích sầu riêng trồng thuần. Tin mừng với người Tân Thượng, toàn xã đã xây dựng được 2 mã vùng trồng với diện tích xấp xỉ trên 100 ha. Những nông hộ tham gia mã vùng trồng, sầu riêng luôn được bán giá rất ổn định. Việc động viên nông dân tham gia xây dựng mã vùng trồng cũng là một thành công của Tân Thượng khi những nông hộ người dân tộc bản địa làm quen với canh tác theo quy chuẩn, sử dụng thuốc đúng danh mục và hàng loạt các thủ tục, giấy tờ với đối tác nhập khẩu.

“Để cây sầu riêng phát triển bền vững, có thị trường xuất khẩu, những năm qua, xã đã khuyến cáo người dân cần ổn định diện tích sầu riêng đã trồng. Bà con không ồ ạt chặt bỏ các loại cây công nghiệp khác để trồng sầu riêng. Địa phương cũng tạo điều kiện, khuyến khích hình thành các chuỗi liên doanh, liên kết giữa nông dân với tổ hợp tác, doanh nghiệp trong việc xây dựng mã số vùng trồng, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, từng bước đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”, bà Lê Thị Thanh Nga đánh giá. Bà Nga cho biết thêm, xã luôn động viên nông dân đa dạng hoá cây trồng, bước đầu trồng xen sầu riêng trong vùng cà phê, đảm bảo thu nhập trong thời gian chờ sầu riêng trưởng thành. Với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Nông nghiệp có nhiều hỗ trợ để bà con  phát triển bền vững với cây sầu riêng như hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật...  Cây sầu riêng đã góp phần thay đổi hẳn bộ mặt xã khó khăn Tân Thượng, mang lại no ấm cho người nông dân.