Tiềm năng phát triển bền vững cá nước lạnh

CHÍNH THÀNH 06:11, 05/07/2024

Tuy gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, tình hình thời tiết ngày một bất lợi cũng như trở ngại về nguồn thức ăn, con giống,... nhưng theo các chuyên gia đánh giá, địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển cá nước lạnh trong thời gian tới.

Một mô hình nuôi cá tầm hiệu quả trên địa bàn xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông
Một mô hình nuôi cá tầm hiệu quả trên địa bàn xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông

Theo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Việt Nam, từ năm 2004, 2005, cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu trứng cá đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. 

Năm 2006, cá tầm được đưa vào Tây Nguyên nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm đã được các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nghiên cứu thông qua nhiều đề tài/dự án như: Nghiên cứu phát triển nuôi cá tầm Nga và cá tầm Siberia ở khu vực Tây Nguyên; “Phát triển giống cá nước lạnh”, “Hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất cung cấp giống cá tầm”.

Đến nay, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại Việt Nam (trừ cá tầm Beluga do tuổi thành thục dài, chưa cho trứng và cá tầm Trung Hoa chậm lớn ít người nuôi) thì 3 loài cá tầm gồm cá tầm Nga, cá tầm Siberia và cá tầm Sterlet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất. 

 Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng đạt 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn, năm 2020 đạt 3.720 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007-2023 trung bình 49,13%/năm.

Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Lâm Đồng có thời tiết khí hậu phù hợp cho phát triển nông nghiệp, trong đó có cá nước lạnh. Năm 2023, tăng trưởng GRDP toàn ngành ước đạt khoảng 5,47% so với năm 2022 tương ứng tổng sản phẩm (giá cố định 2010) ước đạt trên 21.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành thuỷ sản chiếm sản 6,5%. 

Đối với hoạt động phát triển sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh được bắt đầu từ năm 2006 và đến nay toàn tỉnh có khoảng 109 cơ sở cá nước lạnh chủ yếu là cá tầm với tổng diện tích khoảng 54 ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thuỷ điện tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP Đà Lạt. 

Sản lượng cá nước lạnh (cá tầm) đạt trên 2.300 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 450 tỷ đồng/năm, góp phần đáng kể vào giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng thu nhập cho các tổ chức, cá nhân và phát triển kinh tế tại địa phương. Ngoài ra, hàng năm Lâm Đồng sản xuất trên 5 triệu con cá tầm giống phục vụ cho nhu cầu sản xuất cá tầm tại địa phương trong tỉnh và xuất bán cho một số tỉnh trong nước. 

Theo khảo sát, việc tiêu thụ sản phẩm cá tầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tương đối thuận lợi, do đã hình thành liên kết chuỗi từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định cá nước lạnh là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, cần tập trung nguồn lực đầu tư theo chiều sâu để hình chuỗi ngành hàng có giá trị tăng cao, đáp ứng năng lực cạnh tranh quốc tế. Do đó, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng cá nước lạnh theo quy định. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý và kỹ thuật để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cá nước lạnh và các doanh nghiệp chủ động trong việc nghiên cứu sản xuất con giống, kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về nguồn gốc tự nhiên để đầu tư, phát triển nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo cơ quan chức năng vẫncòn gặp một số khó khăn như: Biến đổi khí hậu làm cho nắng nóng kéo dài, nguồn nước cung cấp cho hoạt động sản xuất nuôi cá nước lạnh bị hạn chế; tác động của thiên tai, mưa lớn kéo theo lũ quét, nhiều ao, hồ nuôi cá nước lạnh bị ảnh hưởng gây thiệt hại nặng về kinh tế; nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy sản cá nước lạnh ở mức cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận đối với nguồn vốn ưu đãi theo chính sách của nhà nước; còn thiếu những chuyên gia, cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu về cá nước lạnh; tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn cá nước lạnh làm chi phí tăng sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh;...

Để góp phần thực hiện có hiệu quả việc phát triển chăn nuôi cá nước lạnh bền vững trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Châu thông tin, Lâm Đồng tiếp tục tập trung cho các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất con giống cá nước lạnh có năng suất, chất lượng cao, tăng cường kiểm soát dịch bệnh và dự báo môi trường; phát triển, mở rộng diện tích và lồng nuôi tại các hồ chứa, đập thủy lợi. Xây dựng vùng phát triển nuôi cá nước lạnh phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước, giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là rừng tự nhiên. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực thủy sản. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng con giống cá nước lạnh và giám sát chất lượng vật tư đầu vào, môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cá nước lạnh. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi.