Xác định xuất xứ hàng hóa - không phải việc của một mình doanh nghiệp

LÊ HOA 06:34, 29/07/2024

Ông Phạm Minh Khang - Giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Phương Đà Lạt và vợ là bà Nguyễn Đức Thiên Vũ đã có mặt tại Chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn trong tháng 7 đã trình bày về việc doanh nghiệp phải bỏ đơn hàng xuất khẩu 1.200 kg tùng nho sang Côn Minh vì không làm được giấy xác định xuất xứ vùng trồng gây tổn thất gần 200 triệu đồng.

Vấn đề của Công ty TNHH Quỳnh Phương được lãnh đạo các sở, ngành quan tâm tư vấn ngay sau Chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh
Vấn đề của Công ty TNHH Quỳnh Phương được lãnh đạo các sở, ngành quan tâm tư vấn ngay sau Chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh

Công ty TNHH Quỳnh Phương Đà Lạt đăng ký ngành nghề kinh doanh hoa tươi, lá cắm trang trí, phụ kiện ngành hoa, dụng cụ sản xuất - đóng gói hoa tươi và các sản phẩm công nghệ sau thu hoạch; hoạt động được hơn 10 năm. Công ty đã không ngừng đáp ứng thị trường nội địa với khoảng hơn 200 nguồn tiêu thụ lớn nhỏ tại 50 tỉnh, thành; và xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế khác nhau, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia…

Theo trình bày của bà Thiên Vũ, thời gian qua, Công ty không ngừng nỗ lực xây dựng, học hỏi, phát triển để trở thành một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực sản xuất, phân phối hoa tươi của Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Đồng thời, Công ty cũng đang hiện thực hóa ước mong được góp phần nâng tầm thương hiệu hoa tươi Đà Lạt và trở thành cầu nối giữa hoa tươi Đà Lạt với khách hàng trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, Công ty TNHH Quỳnh Phương thực hiện liên kết trồng hoa với 35 hộ dân ở Lâm Hà, Lạc Dương và Đà Lạt trồng hoa tươi xuất khẩu và đã được xác định xuất xứ vùng trồng với 35 hộ này. Tuy nhiên, từ năm 2022-2023, Công ty mở rộng vùng nguyên liệu sang Bảo Lộc, Bảo Lâm và Đức Trọng và các tỉnh miền Tây. Khi các hộ nông dân đến chính quyền địa phương đề nghị xác nhận vùng trồng trọt đều không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền, kể cả việc hướng dẫn các trình tự thủ tục theo quy định. Vấn đề này đồng nghĩa với việc làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người nông dân. Cụ thể, mới đây, do chưa làm được Giấy xác định vùng trồng, dẫn đến lô hàng xuất khẩu sang Côn Minh của Công ty bị từ chối…

Theo Thông tư 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023, quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thì việc xuất khẩu hoa tươi và các loại cành lá tươi ra nước ngoài, bắt buộc phải có văn bản xác định vùng trồng trọt, sản xuất tại địa phương đó. Tức là doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xác định xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. 

Tuy nhiên, Thông tư này lại không quy định thẩm quyền cơ quan, tổ chức nào cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Theo Mục 5 Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV ban hành kèm theo Quyết định 2481/QĐ-BVTV-KH ngày 30/11/2020 quy định thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng là Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; nhưng Thông tư 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 lại ban hành sau Quyết định 2481/QĐ-BVTV-KH…

Ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Có lẽ do Thông tư này mới triển khai, các địa phương chưa kịp cập nhật, nên cấp xã, phường không biết phải chứng nhận như thế nào? Vấn đề xác định vùng trồng, thì trồng ở nơi nào, xác định ở nơi đó. Tức là, xác định vùng trồng thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương cấp xã.

Kết luận vấn đề này, chủ trì Chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư tháng 7 là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm ngay văn bản, hướng dẫn mẫu và quy trình xác định vùng trồng gửi đến tất cả các huyện, thị; xác định trách nhiệm chứng nhận văn bản xuất xứ vùng trồng thống nhất trên toàn tỉnh, để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, tránh cho các doanh nghiệp không bị hủy đơn hàng như Công ty TNHH Quỳnh Phương Đà Lạt…