3 lĩnh vực phát triển nông nghiệp tuần hoàn

VĂN VIỆT 05:17, 07/08/2024

Huyện Di Linh xác định 3 lĩnh vực trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn với từng chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030.

Theo đó 3 lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi; sơ chế, chế biến nông sản và giết mổ gia súc, gia cầm, chỉ tiêu khối lượng phụ phẩm thu gom đạt lần lượt 95%, 80% và 90%, tương ứng tỷ lệ từ 60% đến 70% khối lượng xử lý, tái sử dụng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Qua đó toàn huyện Di Linh sẽ giảm các tỷ lệ 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trên 5% lượng thức ăn chăn nuôi; 3% lượng thuốc thú y. Riêng chỉ tiêu mỗi năm xây dựng ít nhất 1 mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiệu quả kinh tế tăng từ 10 - 20% so với sản xuất nông nghiệp thông thường.

Để đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trên, huyện Di Linh xây dựng, nhân rộng các mô hình tái sử dụng phụ phẩm cây trồng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, than sinh học, nhiên liệu, vật liệu che phủ, giá thể. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới thu hồi, tái sử dụng nước tưới, dinh dưỡng trong canh tác để giảm lượng chất thải, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn tái sử dụng chất thải làm nhiên liệu khí sinh học; phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nhằm tái sử dụng phụ phẩm của ngành này là đầu vào của ngành kia và ngược lại, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và kết nối bền vững trồng trọt với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, huyện Di Linh chú trọng chính sách “khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực tài chính xây dựng, đầu tư cơ sở chế biến phụ phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ thành sản phẩm phân bón, giá thể trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm theo công nghệ, quy trình sản xuất tuần hoàn thân thiện với môi trường. Ở khâu đầu ra, huyện Di Linh triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân tại các vùng sản xuất tập trung, tạo nên chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương…”.