(LĐ online) - Ngày 20/8, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm đã tiến hành giải ngân số tiền 2 tỷ đồng từ nguồn tín dụng chính sách để hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lộc Tân đầu tư bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm giải ngân 2 tỷ đồng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát triển nghề diệt thổ cẩm |
Theo đó, có 21 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Thôn 3, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với lãi suất ưu đãi theo quy định. Trung bình mỗi hộ vay từ 50 - 100 triệu đồng để đầu tư mua sắm vật tư, vật liệu để duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm. Tổ dệt thổ cẩm tại Thôn 3, xã Lộc Tân có hơn 20 thành viên, công việc dệt thổ cẩm của các chị, em chủ yếu tranh thủ thời gian nông nhàn. Nhà sàn của thôn vừa là nơi trưng bày sản phẩm và cũng là nơi để chị em cùng nhau dệt thổ cẩm và truyền dạy lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp chị, em có thêm nguồn thu nhập cho gia đình mà còn phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc tại địa phương.
Nghề dệt thổ cẩm đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lộc Tân |
Theo bà Trương Thị Lệ Phương - Giám đốc phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm, hiện nay, tại các xã trên địa bàn huyện đang tổ chức triển khai dạy nghề các ngành nghề truyền thống cho bà con để tiếp tục triển khai nhân rộng bảo tồn, duy trì và phát triển các mô hình làng nghề truyền thống. Vì vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành để tiếp tục có nguồn lực hỗ trợ thực hiện hiệu quả Nghị Quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội trên địa bàn huyện; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin