Chuyển đổi xanh tại Trung Quốc: Khi Xanh là Vàng

THIỆN ÂN 16:28, 22/08/2024

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một trong những ví dụ điển hình cho nỗ lực này là tại khu tự trị Ninh Hạ, phía Tây Bắc Trung Quốc, nơi từng là một mỏ khoáng sản bỏ hoang nay đã trở thành vùng trồng nho rộng lớn. 

Vườn nho tươi tốt dưới chân núi Hạ Lan, Trung Quốc
Vườn nho tươi tốt dưới chân núi Hạ Lan, Trung Quốc

Vườn nho Yuanshi, với diện tích hơn 200 hecta, hiện đang trồng 16 loại nho làm rượu khác nhau. Điều đáng chú ý là khu vực này từng là một mỏ đá, nhưng với nỗ lực cải thiện hệ sinh thái và bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương đã quyết định đóng cửa các mỏ than và khoáng sản khác trong những khu vực được chỉ định. Các vườn nho dần dần mọc lên dọc theo chân núi Hạ Lan, nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng để trồng nho.

Tháng 6 năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm một vườn nho để tìm hiểu về những nỗ lực bảo tồn sinh thái tại khu vực này. Ông cho rằng ngành công nghiệp rượu vang có tiềm năng phát triển lớn khi mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng được cải thiện. 

Từ năm 2017, khoảng 23.000 hecta tại sa mạc Gobi đã được chuyển đổi thành những dải xanh bằng việc phát triển các cơ sở trồng nho và dự án rừng chắn gió. Hiện tại, khu vực có hơn 200 nhà máy sản xuất rượu nho, tạo việc làm cho gần 130.000 lao động mỗi năm.

Không chỉ giúp phát triển ngành công nghiệp sản xuất rượu nho, một môi trường sinh thái tốt hơn còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Du khách từ khắp nơi đến đây để thưởng thức vẻ đẹp của vườn nho và cảm nhận sự thay đổi tích cực mà thiên nhiên mang lại.
Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái nhất định phải được tính toán lâu dài và tổng thể, không thể chỉ nhìn về lợi ích trước mắt. Ông từng nói: “Người không phụ lòng non xanh, non xanh tất sẽ không phụ lòng người”.

“Người không phụ lòng non xanh, non xanh tất sẽ không phụ lòng người”
“Người không phụ lòng non xanh, non xanh tất sẽ không phụ lòng người”

Một ví dụ khác về sự chuyển đổi xanh là tại sông Lệ Giang, nơi nổi tiếng với cảnh quan thơ mộng. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trước, con sông này từng bị ô nhiễm nặng nề do nước xả thải và nạn phá rừng. Năm 2012, các hành động khôi phục môi trường nơi đây đã được thực hiện, bao gồm việc đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm, loại bỏ các trang trại cá không nằm trong kế hoạch và giúp các hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản chuyển sang các ngành nghề như du lịch sinh thái và nông nghiệp. 

Các nhà máy địa phương cũng nỗ lực hướng đến phát triển bền vững trong quá trình phát triển. Khi kiểm tra một đoạn sông Lệ Giang hai năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định rằng sông này là báu vật duy nhất của Trung Quốc và thế giới, và môi trường sinh thái của nó không bao giờ được phép bị hủy hoại.

Ngoài ra, khu vực Ngũ Sơn tại tỉnh Giang Tô cũng là một minh chứng rõ rệt cho việc chuyển đổi xanh. Nằm dọc theo sông Dương Tử, nơi đây từng là cảng hàng hóa với lưu huỳnh và quặng sắt chất đống ngoài trời. Tuy nhiên, từ năm 2016, các dự án khôi phục sinh thái đã được triển khai, đóng cửa hơn 200 nhà máy gây ô nhiễm và phá bỏ 65.000 mét vuông công trình trái phép. Bờ sông dài 12 km được hồi sinh thành vùng đất xanh mướt. 

Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế bền vững. Qua đó, Trung Quốc đang dần chứng minh rằng việc chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai.

Chuyển đổi xanh tại Trung Quốc: Khi Xanh là Vàng