Chuyện làm giàu ở xã anh hùng

NDONG BRỪM 04:34, 22/08/2024

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm xã anh hùng Đinh Trang Thượng (Di Linh), để được nghe kể, chứng kiến và cảm nhận về sự chuyển mình mạnh mẽ của đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên. Sau gần 50 năm đất nước được thống nhất, dẫu vẫn có những khó khăn, song trên những vùng đất khó một thời, giàu truyền thống cách mạng giờ đã có nhiều đổi mới, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, đồng bào luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương.

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ DTTS ở xã anh hùng Đinh Trang Thượng 
đã có cuộc sống ổn định và làm giàu trên mảnh đất quê hương
Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ DTTS ở xã anh hùng Đinh Trang Thượng đã có cuộc sống ổn định và làm giàu trên mảnh đất quê hương

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến gặp gỡ bà con ở một số thôn, được chứng kiến sự đổi thay, niềm phấn khởi, hăng say lao động sản xuất. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, những hộ gia đình có truyền thống cách mạng còn dành thời gian chỉnh trang, vệ sinh nhà cửa, trang hoàng bàn thờ ông bà, tổ tiên, để tưởng nhớ và báo công đến thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Nhớ lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của quân và dân Xã 5, ông K’Brền (72 tuổi) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Thượng, bộc bạch: Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xã Đinh Trang Thượng (Xã 5) là vùng chiến lược quan trọng nên thường diễn ra các cuộc giao tranh kéo dài đến năm 1975, nhưng quyết liệt nhất là vào năm 1968. Thời điểm đó, lính biệt kích Mỹ càn quét theo 2 hướng mũi tên chính từ Tân Rai (Bảo Lâm) và từ xã Tân Dân (xã Tân Châu ngày nay) tạo nên thế trận giằng co và càng trở nên ác liệt hơn. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống và cả 4 người con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Ka Lin cũng đã hy sinh trong các cuộc chiến này. “Theo cha anh, từ năm 1961 tôi cũng sống trong rừng, đến đầu năm 1968, tôi đi bộ đội, tham gia các Tiểu đoàn, Tiểu đội, Đại đội C745, 742, B14 cho đến khi đất nước được giải phóng năm 1975. Sau khi giải phóng, tôi tham gia hoạt động xã hội tại địa phương và từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, từ Bí thư Đoàn xã đến Bí thư Đảng ủy xã rồi nghỉ hưu. Trong quá trình tham gia cách mạng, tôi vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, hạng Ba và Dũng sỹ Quyết thắng. Hiện tại tất cả các đồng đội năm xưa của tôi đều đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ”, ông K’Brền bùi ngùi.  

Sau ngày thống nhất đất nước, tuy đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đinh Trang Thượng đã nỗ lực vượt khó, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ chủ trương, chính sách đầu tư của Nhà nước, đến nay, hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn ở xã anh hùng Đinh Trang Thượng ngày càng được hoàn thiện và khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, cho biết: Trong phát triển kinh tế, ngoài chú trọng phát triển cây trồng chủ lực cà phê, những năm qua, Đảng ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; thực hiện các mô hình sản xuất như phát triển các mô hình trồng xen, nghề trồng dâu, nuôi tằm và phát triển diện tích trồng cây rau màu... Cụ thể, trong tổng số 2.517 ha đất sản xuất cây cà phê, đến nay, đã có trên 75% diện tích được chuyển đổi giống mới bằng hình thức ghép cải tạo và tái canh, năng suất cà phê bình quân đạt 31 tạ/ha, với sản lượng trên 7.788 tấn. Các mô hình sản xuất, trồng xen tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Hiện toàn xã đã có gần 400 ha cây sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mắc ca, hồ tiêu, mít, chanh dây được trồng xen với cà phê. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn có 51 hộ tham gia nghề trồng dâu, nuôi tằm với diện tích 55 ha, sản lượng kén tằm đạt trên 20 tấn kén/năm; 67 hộ trồng cây rau màu (la-gim) với diện tích 13,4 ha. Nhờ đó, cuộc sống của Nhân dân ngày càng được ổn định và nâng cao.

 Sự đổi thay đang hiển hiện trên vùng đất khó một thời của xã anh hùng Đinh Trang Thượng. Nay, xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn thôn trong xã đều có nhà văn hóa; 100% đường trục chính của xã được nhựa hóa, nhiều tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất đã được làm bê-tông, đảm bảo cứng hóa; 96% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/người/năm; trong tổng số 919 hộ, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 8,4%, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 7,17%, hộ cận nghèo giảm còn 4,0%… Anh Dong Mol Klơi (sinh 1991) ở Thôn 5 chia sẻ: “Bây giờ, đời sống của người dân trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điện, đường, trường, trạm cũng khá khang trang, phát triển rộng khắp. Là thế hệ trẻ, chúng tôi luôn tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng của cha anh. Phát huy tinh thần đó, chúng tôi càng phải ra sức lao động sản xuất, để góp sức xây dựng quê hương”.

Là một trong những thế hệ trẻ của xã, anh Dong Mol Klơi luôn năng động, cần cù, chịu khó, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất. Năm 2015, sau khi xuất ngũ, anh về địa phương bắt tay khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi bò, trồng dâu, nuôi tằm lấy ngắn nuôi dài để tập trung cải tạo vườn tạp (cà phê) và trồng sầu riêng. Đến nay, gia đình anh Klơi đã có cuộc sống ổn định. Với 2 ha cà phê giống cao sản, mỗi năm bình quân gia đình anh thu trên 6 tấn cà phê nhân. Còn 140 gốc sầu riêng trồng thuần và xen canh, trong đó đã có 70 gốc đang cho kinh doanh ổn định với sản lượng bình quân đạt 8 tấn/năm. 
  
Còn ông Nròng Chi ở Thôn 4 canh tác trên 5 ha cà phê kết hợp trồng xen hàng trăm cây sầu riêng, bơ và được biết đến là một trong những hộ sản xuất giỏi của xã, mỗi năm gia đình ông thu từ 20 - 27 tấn cà phê nhân, trở thành hộ có sản lượng cà phê cao nhất trong toàn xã. Ngoài nguồn thu từ cà phê, gia đình ông Nròng Chi còn có thêm nguồn thu từ vài trăm gốc sầu riêng và bơ. Đến nay, gia đình ông Nròng Chi không những đã đầu tư xây dựng ngôi nhà khang trang có trị giá gần cả tỷ đồng mà còn mua sắm ô tô phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình.

Ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, phấn khởi: Những năm qua, ngành Nông nghiệp của địa phương phát triển khá, quy mô canh tác ngày càng mở rộng; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao tiếp tục được triển khai và nhân rộng. Từ đó, đã phá vỡ thế độc canh cây cà phê, nâng cao giá trị sản xuất/ha canh tác, tăng thu nhập. Điều đáng mừng, hiện nay, người dân đã chủ động, tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng xen nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhờ thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, tích cực học hỏi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Đến nay, đã có nhiều hộ dân thu sản lượng đạt từ 10 – 20 tấn cà phê nhân/năm. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đã đầu tư hàng tỷ đồng mua 17 chiếc xe ô tô mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình.

Chiến tranh lùi xa nhưng với những trang sử truyền thống hào hùng của cha anh, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh và lòng tự hào cho thế hệ hôm nay; từ đó, giúp người dân Đinh Trang Thượng có thêm động lực, ra sức quyết tâm viết tiếp những trang sử hào hùng của xã anh hùng trong thời đại mới, phát triển, hòa nhập và phồn thịnh.