Tạo sinh kế bền vững, đưa những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế tốt về cho nông dân nghèo, xã Tân Thượng, huyện Di Linh đã triển khai Dự án mô hình Nuôi dê sinh sản cho đồng bào khó khăn. Những con dê lai Boer đang sinh trưởng tốt trên mảnh đất xa này.
Anh K'Tít đang chăm sóc bầy dê |
Chị Ka Bích Ngọc, nông dân Thôn 2, xã Tân Thượng vừa cầm nắm cỏ cho dê ăn, vừa phấn khởi cho biết, gia đình chị ít đất sản xuất, cây cà phê năng suất không cao nên kinh tế còn rất khó khăn. Chị tâm sự: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, 2 vợ chồng ít đất sản xuất và nuôi 2 cháu nhỏ ăn học. Vừa qua, gia đình được xã hỗ trợ 6 con dê lai, tôi đã làm khu chuồng có quy mô phù hợp để chăn nuôi dê đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, các bệnh thường gặp và cách phòng trị bệnh trên loài vật nuôi này, cách chăm sóc dê sinh sản… Hy vọng rằng, với bước khởi đầu này sẽ giúp gia đình cải thiện đời sống, tăng thu nhập”. Chị Ka Bích Ngọc là một trong những nông hộ của xã Tân Thượng được Nhà nước hỗ trợ dê Boer lai sinh sản trong đợt này.
Cũng giống chị Ka Bích Ngọc, gia đình anh K’Tít cũng thuộc diện hộ nghèo trong xã. Anh được dự án hỗ trợ 6 con dê giống, giống dê lai có vóc to nhưng được lai với dê bản địa nên dễ ăn, dễ chăm, rất phù hợp với điều kiện địa phương. Hàng ngày, sau giờ làm vườn, anh tranh thủ nhặt lá, cắt cỏ thêm cho dê. Anh K’Tít chia sẻ: “Dê Boer lai dễ chăm, ăn toàn cây lá quanh vườn nên nhà tôi tự cắt cỏ, nhặt lá được, tốn ít chi phí. Mà giống dê này nuôi nhanh lớn, chỉ vài tháng nữa là hy vọng có bầy dê con. Giá dê thịt, dê giống bây giờ cũng cao, 100 ngàn đồng/kg nên gia đình đang rất hy vọng nhân mạnh giống đàn dê”.
Bà Lê Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND xã Tân Thượng thông tin, Dự án Nuôi dê sinh sản tạo sinh kế cho người nghèo trên địa bàn xã Tân Thượng nhằm hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình tại gia đình bằng việc hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024. Các hộ tham gia được tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, tạo ra sản phẩm có giá trị, tăng thu nhập, góp phần giải quyết việc làm ở địa phương. Bà Nga chia sẻ, Tân Thượng là xã vùng xa của huyện Di Linh, có trên 87% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ còn nghèo, thiếu đất sản xuất và chưa tìm ra hướng đi phù hợp.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững, xã Tân Thượng đã hỗ trợ 6 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển chăn nuôi dê sinh sản với kinh phí 107 triệu đồng; trong đó nguồn vốn giảm nghèo bền vững của huyện 82 triệu đồng và UBND xã Tân Thượng hỗ trợ 25 triệu đồng. Việc hỗ trợ giống dê Boer lai sinh sản cho các hộ dân nhằm tạo điều kiện để bà con có mô hình sinh kế, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, còn là động lực giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Bà Nga đánh giá: “Việc chọn hỗ trợ bà con chăn nuôi dê được xã, ngành Nông nghiệp và cả bà con cùng đánh giá thực tế xem vật nuôi nào phù hợp với Tân Thượng. Con dê lai này có vóc to, thịt nhiều, lại dễ nuôi, có thể sử dụng thức ăn xanh địa phương bà con tự kiếm được. Dê sinh sản nhanh, bà con có thể có thu nhập, nhân đàn trong thời gian ngắn. Chúng tôi rất hy vọng vào việc đàn dê có thể giúp bà con thoát nghèo”.
Các hộ dân được hỗ trợ đều là các hộ người dân tộc ít người đang thường trú tại địa phương, có chuồng trại nuôi nhốt đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có nhân lực để chăm sóc nuôi dưỡng, có mong mỏi thực hiện chương trình nhưng thiếu vốn sản xuất. Để mô hình nuôi dê có hiệu quả, chính quyền xã Tân Thượng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, các thôn trên địa bàn thường xuyên thăm nắm tình hình, theo dõi quá trình chăn nuôi cũng như hỗ trợ các hộ chăn nuôi về kỹ thuật. Ông K’Đức, khuyến nông viên xã Tân Thượng cho biết, bản thân ông cũng như cán bộ Hội Nông dân đều thường xuyên tới nhà, theo dõi đàn dê. Khi bầy dê có dấu hiệu không ổn, bỏ ăn, nông dân đều liên lạc và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chu đáo. Ông K’Đức chia sẻ: “Cơ bản là dê lai cũng dễ nuôi, dễ chăm sóc. Chúng tôi hướng dẫn bà con cho dê ăn sạch, uống sạch, giữ vệ sinh môi trường… Đến hôm nay, cả bầy dê đang phát triển rất tốt và tôi tin rằng bầy dê sẽ phát triển mạnh”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin