(LĐ online) - Ngày 1/8, tại tỉnh Lâm Đồng diễn ra Hội nghị giao thương, kết nối xuất khẩu hàng hóa giữa các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên với doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hội nghị do ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng; ông Trần Hải Linh - Chủ tịch VKBIA, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; và ông Bùi Xuân Lịch - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên chủ trì |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: Sự hiện diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc và vùng Tây Nguyên là cơ hội để các bên tăng cường giao lưu, hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư và mở rộng các tour tuyến du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc; đồng thời, các doanh nghiệp Hàn Quốc có dịp khảo sát, khám phá tiềm năng, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực Tây Nguyên, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; cũng như hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ, các ưu đãi đầu tư của chính phủ và địa phương, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu và phát triển bền vững...
Ông Dương Quốc Anh phát biểu khai mạc |
Thực hiện chủ trương liên kết phát triển kinh tế vùng của Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là Lâm Đồng, đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp xanh vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên đã đạt được các chứng nhận chất lượng quốc tế uy tín như: sản phẩm OCOP 3-5 sao, VietGAP, GlobalGAP, ISO,... đã khẳng định năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe. Đặc biệt, nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" của tỉnh Lâm Đồng, đại diện cho các sản phẩm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận và đang trong quá trình đăng ký bảo hộ tại Hàn Quốc, mở ra cơ hội lớn cho việc quảng bá và xuất khẩu các sản phẩm này ra thị trường quốc tế…
Ông Trần Hải Linh, đánh giá những kết quả đạt được trong hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam nói chung, Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên nói riêng |
Ông Trần Hải Linh - Chủ tịch VKBIA, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung khá rõ nét, cơ bản hàng hóa thương mại 2 nước không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là các loại chip, máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu, dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, phụ tùng phương tiện vận tải, xơ, sợi dệt các loại… sang Hàn Quốc. Có thể thấy rằng Hàn Quốc và Việt Nam có sự đan xen lợi ích ở mức rất cao, đồng thời chia sẻ nhiều lợi ích chung, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Đại diện doanh nghiệp đến từ Đắk Lắk phát biểu |
Bên cạnh đó, sự hợp tác về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn nhiều “dư địa” để cùng nhau phát triển. Hôm nay, Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) chúng tôi đã cùng khoảng 30 doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt tại đây; để đồng hành và phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Công thương Việt Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại Việt - Hàn; mang đến những cơ hội được thực hiện B2B (Business-to-Business), B2C (Business To Consumer), B2G (Business to Government)… cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân 2 nước. Và, tôi cũng rất vui mừng khi được thấy các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đại diện cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng có mặt tại Hội nghị lần này; cũng là nỗ lực để mở ra những dấu mốc mới - hợp tác mới cho Thương mại và Xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Văn Nhiệm thông tin những nỗ lực của Đắk Lắk trong hoạt động xuất nhập khẩu với Hàn Quốc |
Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk: Xuất khẩu nông sản của tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu nổi bật, với giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt trên 1,11 tỷ USD, là địa phương đứng đầu trong nước về xuất khẩu cà phê và một số mặt hàng nông sản. Trong đó, rất nhiều sản phẩm của tỉnh Đắk Lắk đã được xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc trong những năm qua, như: hạt macca, các loại trái cây sấy, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su… kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 36,5 triệu USD, nhập khẩu gần 247 nghìn USD; nhập khẩu chủ yếu là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác,...
Công ty TNHH Seed Coffee (Lâm Đồng) – doanh nghiệp ký kết hợp tác với nhiều đối tác Hàn Quốc trong Chương trình sáng 1/8 |
Theo ghi nhận của Ban Tổ chức, trong Chương trình Kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam sáng nay (1/8), đã có đồng thời, ký kết 42 Biên bản ghi nhớ hợp tác của 18 doanh nghiệp Hàn Quốc ký kết với các doanh nghiệp Việt Nam (Lâm Đồng 25, Đắk Lắk 11, còn lại là của các tỉnh khác) - chủ yếu sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản, như: cà phê, macca, sinh tố trái cây, rau củ sấy, atiso, nấm, trà, hạt điều…
Doanh nghiệp YMART (Hàn Quốc) ký kết hợp tác với nhiều đối tác vùng Tây Nguyên |
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu xem video giới thiệu của các địa phương khu vực Tây Nguyên và nghe tham luận của các địa phương, trao đổi của doanh nghiệp hai bên. Nhiều đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết: Đây là chương trình rất ý nghĩa và chúng tôi rất vui mừng vì đã được tiếp xúc với nhiều sản phẩm chất lượng cao của vùng Tây Nguyên và có sức cạnh tranh thế giới; mở ra cơ hội nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá của vùng Tây Nguyên sang Hàn Quốc… Tuy nhiên, chúng ta không còn ở trong thời đại cạnh tranh đơn điệu nữa, nên chiến dịch maketing cần lựa chọn các sản phẩm có tính nhận diện nhất quán và được bảo hộ bởi chính quyền… Các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đề xuất hợp tác cần có sự trao đổi hàng hoá giữa hai bên để cùng hỗ trợ phát triển thị trường cho nhau, cũng như nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền…
Đại diện doanh nghiệp từ Hàn Quốc phát biểu |
Đặc biệt, ông Bùi Xuân Lịch - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc: Hiện nay, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với khoảng 10 nền kinh tế lớn của thế giới, tạo ra xu hướng tất yếu trong hợp tác, giao thương quốc tế để phát triển bền vững. Nên, các doanh nghiệp phải chú ý các quy định của các Hiệp định để thực hiện cho đúng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin