Từ những vườn cà phê lâu năm, kém hiệu quả…; người dân xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) trong những năm qua đã mạnh dạn đầu tư nguồn kinh phí, tích lũy kiến thức từ các đợt tập huấn. Đồng thời, đúc rút kinh nghiệm từ bạn bè, người thân để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình và địa phương.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp anh Phan Văn Tài có nguồn thu nhập cao cho gia đình |
Tại thôn Tân An, anh Phan Văn Tài được người dân địa phương biết đến với gương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế giỏi. Đưa chúng tôi tham quan vườn sầu riêng rộng 1 ha đang bước vào giai đoạn sắp thu hoạch, anh Tài kể rằng, ngày xưa diện tích vườn này gia đình anh trồng cây cà phê. Tuy nhiên, ít năm sau đó, tình cờ một lần anh xuống Bảo Lộc nhìn thấy nhiều hộ dân đang trồng sầu riêng và cho thu nhập khá cao; chính vì vậy mà đến năm 2016, qua tìm hiểu một số bạn bè, người thân… anh mua giống sầu riêng Thái ở các tỉnh miền Tây và sau đó trồng xen với diện tích cà phê.
“Sầu riêng là giống cây cho thu nhập cao, nhưng là loại cây khó tính. Khi đưa về trồng, do bản thân chưa nắm vững được kiến thức, cũng như kỹ năng chăm sóc nên một số cây bị chết hoặc không đạt chất lượng. Sau 2 năm trồng, tôi đánh liều phá bỏ hoàn toàn cà phê và trồng 1 ha sầu riêng gồm Ri6 và Thái. Hiện, vườn có 180 cây; trong đó có 160 cây đã cho thu bói vào năm ngoái. Năm 2023, vườn đã thu bói được gần 15 tấn với giá thương lái thu mua tại vườn là 40.000 đồng/kg. Dự kiến năm nay, vườn sầu riêng cho thu khoảng 30 tấn, được thương lái ở Bảo Lộc lên tận vườn để thu mua. Năm nay vườn được chăm sóc kỹ lưỡng, bài bản hơn nên giá bán sẽ khác so với năm ngoái”, anh Tài cho hay.
Anh Tài chia sẻ thêm, ngoài chuyển đổi trồng sầu riêng, hiện anh đang sở hữu 1 ha bơ, 1 ha macca, 1 ha cà phê với tổng thu nhập năm 2023 là 800 triệu đồng đã trừ chi phí. “Tôi cũng vừa mới đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động và xây dựng 2 sào nhà kính để làm nông nghiệp. Khoảng 10 ngày nữa, tôi sẽ xuống giống ớt chuông tại khu vườn này”, anh Tài nói.
Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, xã Tân Thanh tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm thông qua các tổ hợp tác để nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh nhấn mạnh, những năm qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh các nguồn vốn hỗ trợ và thực hiện tốt lồng ghép các chương trình, nguồn vốn đầu tư sản xuất, giúp nhau làm kinh tế và ổn định cuộc sống. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng liên quan của huyện Lâm Hà tạo điều kiện để bà con tham gia học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi, hoặc tham gia lớp tập huấn về nông nghiệp, qua đó bà con có thêm kiến thức, mạnh dạn đầu tư, lựa chọn loại cây phù hợp với tình hình địa phương, cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không chỉ giúp người dân tăng thu nhập trong gia đình mà còn phấn đấu cùng với chính quyền địa phương trong công tác thực hiện giảm nghèo bền vững, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên nhiều hộ dân ở xã đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Nhờ vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chung cuối năm 2023 là 3,88% (giảm 3,49% so với cùng kỳ); hộ cận nghèo 6,07% (giảm 3,49% so với cùng kỳ).
UBND xã Tân Thanh xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch; các cây trồng chủ lực của xã như cà phê, dâu tằm, cây ăn quả được đầu tư thâm canh, tăng năng suất. Đến cuối năm 2023, tổng diện tích cà phê là 7.015 ha, năng suất ước đạt 3,6 tạ/ha, sản lượng 25.254 tấn, tăng 140% kế hoạch huyện; cải tạo ghép chồi cà phê được 245/230 ha, đạt 106% kế hoạch, tái canh 62/50 ha, đạt 124% kế hoạch. Bên cạnh đó, hiện xã có tổng diện tích 828,8 ha cây dâu tằm; trong đó trồng mới 61/24 ha, đạt 254% kế hoạch; trồng mới cây ăn quả các loại được 15.564 cây kể cả trồng xen.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, mặc dù người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nhiều năm qua, nhưng quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn nhất định như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập cao như đầu tư trồng sầu riêng phải có nguồn kinh phí bỏ ra lớn. Bên cạnh đó là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên tiếp thu kỹ thuật, chuyển đổi chưa thực sự hiệu quả…
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh khẳng định: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, địa phương không khuyến khích người dân chuyển đổi ồ ạt, theo phong trào… Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án, kế hoạch tái cơ cấu và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích... để người dân có sự cân nhắc phù hợp với điều kiện thực tế nhằm chuyển đổi thuận lợi, đạt chất lượng tốt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin