Trồng đa dạng các loại rau, ưu tiên những loại rau có thu nhập siêu nhanh, một nông dân ở Di Linh đã cho thấy hướng đi năng động. Đó là ông Nguyễn Văn Dư, nông dân thôn Hiệp Thành 1, xã Tam Bố, huyện Di Linh.
Ông Nguyễn Văn Dư bên vườn bí nụ |
Ông Nguyễn Văn Dư chia sẻ, ông là cư dân vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, chọn Lâm Đồng là quê hương đã nhiều chục năm nay. Khác với các nông hộ xung quanh thôn Hiệp Thành 1 thường chọn cây cà phê làm cây trồng chính, ông Nguyễn Văn Dư chọn hướng trồng rau thương phẩm. Đặc biệt, ông ưu tiên những loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch siêu nhanh.
Vừa thu hoạch bí nụ, một giống bí chuyên lấy hoa, ông Nguyễn Văn Dư vừa chia sẻ: “Bí nụ là một trong những loại rau thương phẩm cho thu hoạch nhanh nhất. Tôi nhập hạt, gieo 12 ngày trên vỉ, sau đó cho ra vườn. Chỉ 30 ngày sau là bí cho thu hoạch. Bí nụ được hái hằng ngày. Sau thu hoạch 45 ngày, vườn bí giảm năng suất, huỷ để trồng lứa bí khác. Một lứa bí nụ, từ gieo hạt cho tới thu hoạch chỉ hơn hai tháng, giá cả rất ổn định, được thị trường ưa chuộng”. Không chỉ bí nụ, ông còn trồng cải dưa, cũng là một giống rau thương phẩm siêu nhanh. Cải dưa, sau khi ươm 2 tuần trên vỉ, sau đó cây non được trồng xuống đất, chỉ 30 ngày là cho thu hoạch. Một năm, có thể thu hoạch tới 10 lứa cải dưa. Ông Dư nhận xét, bí nụ 50 ngàn đồng/kg, cải dưa giá tuỳ thị trường, nông dân có thu nhập rất nhanh từ các loại rau này, giảm rủi ro khi canh tác các loại cây dài ngày.
Ngoài các giống rau siêu nhanh thường được trồng ngoài trời, ông Nguyễn Văn Dư còn làm nhà kính để trồng các giống rau khó tính như cà chua Rita, ớt chuông… Ông cũng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng việc xuống giống một ha chanh dây Đài Loan, thứ chanh dây có vị đậm, mùi thơm. Chanh dây cũng được hái mỗi ngày để cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Dư chia sẻ: “Nhu cầu của các cửa hàng rau sạch tại TP Hồ Chí Minh là đa dạng nguồn hàng, đa dạng mặt hàng, rau được canh tác an toàn. Khách hàng rất thích một số loại rau thương phẩm có nguồn gốc Lâm Đồng như: Bí nụ, cải dưa, bắp sú, đặc biệt là các loại cà chua trồng trong nhà kính và chanh dây. Vì vậy, gia đình tôi canh tác tới 3,5 ha rau màu các loại để đa dạng hoá nguồn hàng”.
Theo ông Nguyễn Văn Dư, do vùng đất Tam Bố, Di Linh chưa có diện tích trồng rau đủ lớn, chuyên môn hóa cao như vùng rau thương phẩm Đà Lạt, Đức Trọng hay Đơn Dương, vì vậy khi canh tác, ông thường chọn đa dạng giống cây trồng, ưu tiên những giống cho thu hoạch siêu nhanh. Theo ông, ở các vùng sâu chưa được chuyên môn hóa, cần trồng cây rau thương phẩm theo hướng đa dạng, tránh tình trạng thừa hàng rớt giá, thiệt hại cho nông dân. Đặc biệt, các loại rau siêu nhanh thường rất ít khi bị các loại bệnh tấn công hoặc côn trùng gây hại, việc chăm sóc dễ dàng và ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông cũng khuyến cáo, khi trồng rau an toàn, bà con cần sử dụng phân bón và thuốc theo đúng quy định của ngành Nông nghiệp, đảm bảo thời gian cách ly. Ông cũng cho biết, theo kinh nghiệm của ông, bà con nên tham gia các liên kết, có đầu ra ổn định sẽ an toàn và yên tâm xuống giống, tránh tình trạng bấp bênh được mùa mất giá.
Ngoài tự trồng rau để cung cấp cho hệ thống cửa hàng, ông Nguyễn Văn Dư còn liên kết với một số nông hộ trồng rau trên địa bàn Di Linh để đa dạng hóa các mặt hàng cung cấp cho thị trường. Theo ông, một nông hộ không thể đảm bảo hết tất cả các loại rau theo yêu cầu của đối tác. Vì vậy, ông liên kết với một số nông hộ để thu mua các loại rau gia đình không trồng hoặc năng suất chưa đáp ứng kịp. Mỗi ngày, gia đình ông Nguyễn Văn Dư vừa tự thu hoạch đồng thời thu mua của các nông hộ liên kết với sản lượng 10 tấn rau các loại, cung cấp cho hệ thống cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Tấn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bố, huyện Di Linh đánh giá cao mô hình trồng rau thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Dư. Ông Phạm Tấn Châu nhận xét, ông Nguyễn Văn Dư là nông dân rất tiến bộ, canh tác nông sản hợp lý, là nhà nông gắn bó với người dân xung quanh, sẵn sàng đồng hành cùng Tam Bố xây dựng nông thôn mới. Mô hình trồng rau thương phẩm năng suất cao của ông Nguyễn Văn Dư đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của xã Tam Bố, bên cạnh những cây trồng truyền thống như cà phê, dâu tằm. Nông trại của ông Nguyễn Văn Dư cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động, thu mua rau thương phẩm của các nông hộ trong xã, là một nông dân sản xuất giỏi của mảnh đất Tam Bố.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin