Một số nội dung cần quan tâm về việc quản lý, sử dụng tem điện tử và sản xuất, kinh doanh rượu thủ công

16:17, 27/08/2024

(Kèm theo Công văn số /CTLĐO-TTHT ngày / /2024 của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng) 

Câu 1: Sản xuất rượu thủ công là hoạt động như thế nào? 

- Trả lời: Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền  thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp. 

(Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP)

• Câu 2: Điều kiện để được cho phép sản xuất rượu thủ công?

- Trả lời: Để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, cơ sở sản xuất phải đáp ứng  các điều kiện như sau: 

Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: 

- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh  được thành lập theo quy định của pháp luật. 

- Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu  theo quy định. 

Điều kiện sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất  rượu để chế biến lại: 

- Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công  nghiệp. 

- Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất  rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục  cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định. 

(Theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 105/2017/NĐ-CP)

• Câu 3: Đối tượng nào cần đăng ký kinh doanh? 

Trả lời: Tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đăng  ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Cá nhân, thành viên hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh theo quy  định của Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký  hộ kinh doanh. 

(Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 01/2021/NĐ-CP) 

• Câu 4: Đăng ký Hộ kinh doanh (HKD) tại đâu? 

Trả lời: Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp  huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. 

(Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

• Câu 5Hồ sơ đăng ký Hộ kinh doanh (HKD) gồm những gì?

Trả lời: 

1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; 

2. Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia  đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng  ký hộ kinh doanh; 

3. Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh  doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; 

4. Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên  làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký  hộ kinh doanh. 

(Theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

• Câu 6: Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử? 

Trả lời: 

1. Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử là việc người thành  lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo  quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông  qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

2. Người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh kê khai thông tin, tải văn bản  điện tử, sử dụng chữ ký số để ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy  trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh. 

3. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trả giấy biên nhận hồ sơ và kết  quả giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho người nộp hồ sơ qua mạng  thông tin điện tử theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh  doanh. 

(Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT)

 Câu 7: Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử?

Trả lời: 

1. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử bao gồm các  giấy tờ theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và được thể hiện dưới  dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy. 

2. Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu được tạo lập  hoặc được số hóa từ văn bản giấy và thể hiện chính xác, toàn vẹn nội dung của  văn bản giấy. Văn bản điện tử có thể định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf’. 

3. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử được chấp  thuận khi có đầy đủ các yêu cầu sau: 

a) Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên  loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy. Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình hoặc cá nhân khác ký tên trong hồ sơ đăng ký  hộ kinh doanh có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc  ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng  quy định tại khoản 2 Điều này; 

b) Các thông tin đăng ký hộ kinh doanh được kê khai trên hệ thống thông  tin về đăng ký hộ kinh doanh phải được nhập đầy đủ và chính xác theo các  thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy; trong đó có thông  tin về số diện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ; 

c) Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử phải được xác  thực bằng chữ ký số của chủ hộ kinh doanh hoặc người được chủ hộ kinh doanh ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh. Trường hợp ủy quyền thực  hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 84  Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. 

4. Thời hạn để hộ kinh doanh sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh  doanh qua mạng thông tin điện tử là 60 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh  doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau thời hạn nêu  trên, nếu không nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của hộ kinh doanh, cơ quan  đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ hủy hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy  trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh. 
(Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT)

• Câu 8: Hộ kinh doanh sản xuất rượu thủ công áp dụng phương pháp khai  thuế như thế nào? 

Trả lời: 

1. Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp  thuế theo phương pháp khoán 

- Phương pháp khoán là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu  khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều  51 Luật Quản lý thuế. 

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán là  hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy  đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân  kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và cá nhân  kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh. 

2. Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp  thuế theo phương pháp kê khai 

- Phương pháp kê khai là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên  doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý. 

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai  là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh  doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê  khai. 
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn là hộ kinh doanh, cá nhân  kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu  chí của doanh nghiệp siêu nhỏ trở lên, cụ thể như sau: hộ kinh doanh, cá nhân  kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công  nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10  người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao  động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng  doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên. 
(Theo quy định tại khoản 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều 3 Thông tư  40/2021/TT-BTC) 

• Câu 9: Nộp hồ sơ lệ phí môn bài (LPMB)? 

Trả lời: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn  bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định  doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho  người nộp lệ phí môn bài thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP
(Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)

Câu 10. Mức thu lệ phí môn bài? 

Trả lời: Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt  động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau: 

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu  đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm; 

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu  đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm; 

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu  đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm. 

d) Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá  nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. 

(Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày  04/10/2016 (được bổ sung tại điểm a khoản 2 điều 1 nghị định 22/2020/NĐ-CP) 

Cơ quan thuế tính thuế, thông báo số tiền thuế phải nộp theo hồ sơ khai  thuế của người nộp thuế, đối với lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh, cá nhân  kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai 

(Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) 

Hộ kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01  hàng năm, trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động sau đó hoạt động trở lại. 

(Theo quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) 

Nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm, trừ trường  hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được  miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp). 

(Theo quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)

• Câu 11: HKD thuộc trường hợp được miễn LPMB? 

Trả lời: HKD thuộc trường hợp được miễn LPMB gồm: HKD có doanh thu từ 100  triệu đồng/ năm trở xuống; HKD không thường xuyên và không có địa điểm  kinh doanh cố định; HKD mới ra kinh doanh lần đầu được miễn LPMB trong  năm đầu hoạt động (năm dương lịch). 
(Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016  (được bổ sung tại điểm c khoản 1 điều 1 nghị định 22/2020/NĐ-CP)

• Câu 12: Khai thuế, nộp thuế GTGT, TNCN đối với hộ kinh doanh, cá  nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán? 

Trả lời: 

1. Hồ sơ khai thuế: Hộ khoán khai thuế khoán ổn định 01 lần/năm theo tờ khai mẫu 01/CNKD  ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài  chính do CQT cung cấp từ ngày 20/11/2023 đến ngày 15/12/2023. 

Nộp hồ sơ khai thuế: Hộ khoán nộp Tờ khai thuế ổn định đầu năm Mẫu 01/CNKD đến Tổ công  tác tiếp nhận tờ khai thuế đặt tại UBND xã, phường, thị trấn chậm nhất là ngày  15 tháng 12 năm trước liền kề năm tính thuế. 

2. Căn cứ xác định thuế khoán bao gồm: 

a) Hồ sơ khai thuế của hộ khoán do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh  thu và mức thuế khoán của năm tính thuế; 

b) Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; 

c) Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; 

d) Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư  vấn thuế, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã, phường,  thị trấn, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác. 

3. Thời hạn nộp thuế: Hộ khoán nộp tiền thuế vào NSNN theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp  tiền của CQT theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý thuế. 

(Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC) 

Hộ khoán có thể thực hiện khai thuế theo hình thức điện tử tại địa chỉ website thuedientu.gdt.gov.vn phân hệ “CÁ NHÂN”, hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

• Câu 13: Khai thuế, nộp thuế GTGT, TNCN đối với hộ kinh doanh, cá  nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai? 

Trả lời: 

1. Hồ sơ khai thuế 

Hồ sơ khai thuế đối với hộ kê khai bao gồm: 

a) Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông  tư 40/2021/TT-BTC; 

b) Phụ lục Bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ theo mẫu số 01-2/BK HĐKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Trường hợp hộ kê khai nếu có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì  không phải nộp Phụ lục Bảng kê mẫu số 01-2/BK-HĐKD. 

Nơi nộp hồ sơ khai thuế 

Nơi nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kê khai là Chi cục Thuế quản lý trực  tiếp nơi hộ kê khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế 

a) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kê khai theo tháng chậm nhất là  ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. 

b) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kê khai theo quý chậm nhất là  ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế. 

2. Thời hạn nộp thuế 

Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai  thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn  nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót. 

(Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 40/2021/TT-BTC) 

Hộ kê khai có thể nộp thuế theo hình thức điện tử: trên ứng dụng eTax  Mobile thông qua liên kết với ứng dụng thanh toán của ngân hàng; hoặc trên  ứng dụng khai, nộp thuế điện tử theo lộ trình triển khai của CQT. 

• Câu 14: Khai thuế thuế Tiêu thụ đặc biệt? 

Trả lời: Rượu là một trong các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo Điều 2  Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008. 

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ hoạt động sản xuất, pha chế xăng  sinh học, sẽ phải kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo Mẫu tờ khai 01/TTĐB quy  định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC. 

Lưu ý: Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất  khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu (trừ xăng sinh học) nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì  tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu cũng phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo Mẫu tờ khai 01/TTĐB. 

(Căn cứ Điều 4 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, điểm b khoản 1 và điểm b  khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

• Câu 15: Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt? 

Trả lời: Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân  với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Thuế TTĐB = giá tính thuế TTĐB x thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008) Cách xác định giá tính thuế 

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá  cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng. 

(Theo quy định tại Điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi  bởi khoản 3 điều 1 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014)) 

• Câu 16: Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu và bia  theo quy định hiện nay là bao nhiêu %? 

Trả lời: Căn cứ Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (được sửa đổi bởi khoản 4  Điều 1 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014) thì thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ được quy định theo Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu và bia là:

(1) Rượu từ 20 độ trở lên: Thuế suất 65%. 

(2) Rượu dưới 20 độ: Thuế suất 35%. 

(3) Bia: Thuế suất 65%. 

• Câu 17: Tem điện tử là gì? 

Trả lời: Tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa các  thông tin, dữ liệu điện tử được tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục  Thuế, Tổng cục Hải quan để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người  tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. 

(Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2021/TT-BTC) 

• Câu 18: Đối tượng nào sẽ áp dụng tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước? 

Trả lời: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm chịu  thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, sản phẩm thuốc lá) thuộc đối tượng sử dụng tem  theo quy định của pháp luật.

(Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 23/2021/TT-BTC) 

• Câu 19: Nguyên tắc dán tem điện tử đối với sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước? 

Trả lời: Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải dán tem điện  tử theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). 

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được đóng  thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), dưới đây gọi chung là chai rượu. Mỗi chai rượu được dán một (01) con tem điện tử. Trường hợp chai  rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem điện tử phải được dán  vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài. Tem điện tử rượu  được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu  (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp  thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. 

(Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 23/2021/TT-BTC) 

 Câu 20: Đơn vị thực hiện dán tem điện tử đối với sản phẩm rượu sản xuất  để tiêu thụ trong nước? 

Trả lời: 

- Đối với sản phẩm rượu đóng chai và rượu thành phẩm dạng thùng, téc  nhập khẩu về sang, chiết ra chai: Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dán tem và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu cho sản phẩm rượu nhập khẩu  trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu sản phẩm rượu đóng chai có  nhu cầu dán tem tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài thì phải đảm bảo việc dán tem  rượu nhập khẩu cho sản phẩm rượu nhập khẩu đúng quy định trước khi nhập  khẩu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ. 

- Đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước: tổ chức, cá nhân có Giấy  phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích  kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, sau  đây gọi chung là tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước phải thực hiện dán  tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm rượu tại địa điểm sản xuất sau khi rượu  được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước. 

(Theo quy định tại điểm b, d khoản 4 Điều 3 Thông tư 23/2021/TT-BTC)

• Câu 21: Nguyên tắc sử dụng tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong  nước? 

Trả lời: Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm rượu, sản phẩm thuốc  lá hoàn toàn chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng, truyền các dữ liệu thông tin  tem điện tử về cơ quan quản lý theo quy định. 

Nguyên tắc sử dụng tem điện tử của tổ chức, cá nhân 

a) Sử dụng tem điện tử đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định tại  Thông tư này. 

b) Không tự ý trao đổi, mua, bán, vay, mượn tem điện tử. 

c) Không cố ý làm mất hoặc cố ý làm hư hỏng tem điện tử được bán. (Theo quy định tại điều 4 Thông tư 23/2021/TT-BTC) 

• Câu 22: Đăng ký sử dụng tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong  nước? 

Trả lời: 

1. Tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu để tiêu thụ trong nước còn  hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp, căn cứ sản lượng và thời hạn được phép  sản xuất, sử dụng tài khoản giao dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký sử dụng tem  điện tử theo Mẫu số 01/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này. 

2. Tổ chức, cá nhân nhận Thông báo của cơ quan thuế qua phương thức  điện tử theo Mẫu số 02/TB/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này về việc  chấp nhận hay không chấp nhận việc đăng ký sử dụng tem điện tử rượu. 

- Trường hợp được chấp nhận, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản giao dịch  điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để thực hiện việc đăng ký, sử dụng tem điện tử theo các nội  dung quy định tại mục 2 - Hồ sơ đăng ký, sử dụng tem điện tử của tổ chức, cá  nhân, Phụ lục 3 ban hành theo Thông tư này. 

- Trường hợp không được chấp nhận, tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo  thông báo của cơ quan thuế trước khi gửi lại đăng ký sử dụng tem điện tử theo  phương thức điện tử. 

- Kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng tem điện tử theo  quy định tại Thông tư này, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu để tiêu thụ trong nước  phải ngừng sử dụng tem đã được cấp, đã mua của cơ quan thuế theo các quy  định trước đây, tiêu hủy tem đã được cấp, đã mua của cơ quan thuế còn tồn  nhưng chưa sử dụng (nếu có).

(Theo quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021/TT-BTC) 

• Câu 23Lập kế hoạch mua tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước? 

Trả lời: 

1. Căn cứ kế hoạch sản xuất rượu để tiêu thụ trong nước hàng năm, chậm  nhất là ngày 15 tháng 5 của năm liền trước năm kế hoạch, tổ chức, cá nhân sản  xuất rượu để tiêu thụ trong nước sử dụng tài khoản giao dịch điện tử còn hiệu  lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục  Thuế để đăng ký kế hoạch mua tem điện tử theo Mẫu số 02/TEM, Phụ lục 3 ban  hành kèm Thông tư 23/2021/TT-BTC, gồm các nội dung: Loại tem, ký hiệu mẫu  tem, số lượng tem cần mua và phải đảm bảo số lượng tem đề nghị mua không  được vượt quá sản lượng được phép sản xuất theo Giấy phép sản xuất còn hiệu  lực do cơ quan có thẩm quyền cấp, trường hợp vượt cần phải ghi rõ lý do. 

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu để tiêu thụ trong nước, không đăng ký kế hoạch sử dụng tem điện tử thuốc lá hoặc tem điện tử rượu coi như không có nhu cầu mua tem. 

Trường hợp doanh nghiệp sở hữu thương hiệu rượu thuê đơn vị khác gia  công sản phẩm thì sử dụng tem điện tử của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu. 

2. Trường hợp trong năm, tổ chức, cá nhân có biến động về sản xuất dẫn  đến tăng nhu cầu mua tem điện tử, cũng như các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất sản phẩm rượu để tiêu thụ trong nước sau ngày 15 tháng 5: Trước ngày  đề nghị mua tem điện tử ít nhất ba mươi (30) ngày làm việc, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản giao dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập  Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký điều chỉnh số lượng tem  điện tử cần mua hoặc mua thêm của năm kế hoạch theo Mẫu số 02/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư 23/2021/TT-BTC và phải đảm bảo tổng số lượng  tem đề nghị mua không được vượt quá sản lượng được phép sản xuất theo Giấy  phép sản xuất, trường hợp vượt cần phải ghi rõ lý do. 

3. Tổ chức, cá nhân nhận Thông báo của cơ quan thuế qua phương thức  điện tử theo Mẫu số 02/TB/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư  23/2021/TT-BTC, về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc đăng ký kế hoạch mua, mua bổ sung tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu. 

- Trường hợp chấp nhận, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục mua tem,  nhận tem với cơ quan thuế theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 6 Nghị định  23/2021/TT-BTC. 

- Trường hợp không chấp nhận, tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo thông  báo của cơ quan thuế trước khi gửi lại kế hoạch mua tem điện tử theo đúng quy  định. 

(Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021/TT-BTC)

• Câu 24: Mua tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước?

Trả lời: 

1. Căn cứ kế hoạch mua, kế hoạch mua bổ sung tem điện tử của năm kế hoạch đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, tổ chức, cá nhân sử dụng  tài khoản giao dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập  Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký mua tem điện tử theo  Mẫu số 03/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư 23/2021/TT-BTC. 

2. Trong thời gian 01 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân nhận Thông báo của  cơ quan thuế qua phương thức điện tử theo Mẫu số 02/TB/TEM, Phụ lục 3 ban  hành kèm Thông tư 23/2021/TT-BTC, về việc chấp nhận hay không chấp nhận  đề nghị mua tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu. 

- Trường hợp được chấp nhận: Khi đến cơ quan thuế để mua, nhận tem điện  tử rượu, tổ chức, cá nhân thực hiện như sau: 

+ Cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm theo bản chính để đối chiếu Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép sản xuất rượu  còn hiệu lực được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định (khi nhận tem lần  đầu). Trường hợp có nội dung thay đổi trên Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc  lá hoặc Giấy phép sản xuất rượu còn hiệu lực được cơ quan có thẩm quyền cấp,  tổ chức, cá nhân phải cung cấp lại bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm  theo bản chính để đối chiếu Giấy phép đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi  đến mua, nhận tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu; 

+ Xuất trình giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu của  người đến mua tem còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật; 

+ Thanh toán tiền mua tem, nhận tem, quản lý và sử dụng tem theo đúng  quy định tại Thông tư 23/2021/TT-BTC; 

- Trường hợp không được chấp nhận, tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo  thông báo của cơ quan thuế trước khi thực hiện các thủ tục mua tem, nhận tem  theo quy định. 

3. Trường hợp kết thúc năm kế hoạch mà tổ chức, cá nhân không sử dụng  hết số lượng tem điện tử thuốc lá hoặc tem điện tử rượu đã mua thì số lượng tem  điện tử còn lại được tiếp tục sử dụng cho năm tiếp theo. 

(Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021/TT-BTC)

 Câu 25: Truyền dữ liệu thông tin của tem điện tử rượu sản xuất để tiêu  thụ trong nước đã được dán lên sản phẩm rượu để tiêu thụ trong nước về cơ quan thuế? 

Trả lời: 

1. Chậm nhất ngày 20 của tháng tiếp theo, tổ chức, cá nhân sử dụng tài  khoản giao dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng  thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để truyền dữ liệu thông tin của tem điện tử đã dán theo Mẫu số 07/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này, gồm các  nội dung: Tên tem, ký hiệu mẫu số tem, ký hiệu tem; Tổng số lượng tem đưa  vào sử dụng; Tổng số lượng tem bị hỏng về Cổng thông tin điện tử của Tổng cục  Thuế. Trường hợp ngày cuối cùng trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp  luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó. Trường hợp dữ liệu tem điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót hoặc cần bổ sung thì tổ chức, cá nhân gửi lại dữ liệu tem điện tử thay thế dữ liệu tem điện tử có sai sót hoặc cần bổ sung. 

2. Tổ chức, cá nhân nhận Thông báo của cơ quan thuế qua phương thức  điện tử theo Mẫu số 02/TB/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này, về việc chấp nhận hay không chấp nhận bảng tổng hợp dữ liệu tem điện tử. 

Trường hợp không được chấp nhận, tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo  thông báo của cơ quan thuế, trước khi gửi lại dữ liệu tem điện tử theo quy định. 

(Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021/TT-BTC) 

• Câu 26: Xử lý tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước của các  tổ chức, cá nhân sản xuất rượu khi ngừng sản xuất, giải thể, phá sản; chia,  tách, sáp nhập hoặc chuyển cơ quan thuế quản lý trực tiếp? 

Trả lời: 

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu khi ngừng sản xuất, giải thể, phá sản,  chia, tách, sáp nhập hoặc chuyển cơ quan thuế quản lý sử dụng tài khoản giao  dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng thông tin điện  tử của Tổng cục Thuế để thực hiện quyết toán và hủy số tem điện tử đã mua còn  lại không có nhu cầu sử dụng trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân thông báo ngừng sản xuất hoặc ngày Quyết định giải thể, phá sản,  chia, tách, sáp nhập hoặc ngày chuyển cơ quan thuế quản lý theo các nội dung  sau: phương pháp hủy, lý do hủy, ký hiệu mẫu, ký hiệu, số lượng theo Mẫu số 04/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này. 

2. Tổ chức, cá nhân chia, tách, sáp nhập hoặc chuyển cơ quan thuế quản lý  có nhu cầu tiếp tục sử dụng số tem còn tồn, sử dụng tài khoản giao dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng thông tin điện tử của  Tổng cục Thuế để đăng ký điều chỉnh số tem còn tồn tại tổ chức, cá nhân chia,  tách, sáp nhập sang tên, mã số thuế của Tổ chức, cá nhân sau chia, tách, sáp nhập theo Mẫu số 06/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này các nội dung  sau: Ký hiệu mẫu, ký hiệu, từ số, đến số, số lượng. 

3. Tổ chức, cá nhân nhận Thông báo của cơ quan thuế qua phương thức  điện tử theo Mẫu số 02/TB/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này, về việc  chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị tiếp tục sử dụng số tem điện tử còn tồn  của tổ chức, cá nhân. 
Trường hợp không được chấp nhận, tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo  hướng dẫn của cơ quan thuế, gửi lại Mẫu số 06/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm  Thông tư này qua phương thức điện tử. 

(Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021/TT-BTC) 

• Câu 27: Xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng, hủy tem điện tử rượu  sản xuất để tiêu thụ trong nước? 

Trả lời: 

1. Trường hợp mất, cháy tem điện tử rượu: Tổ chức, cá nhân phát hiện mất,  cháy tem, sử dụng tài khoản giao dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để lập báo cáo mất,  cháy tem trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế chậm nhất không quá  năm (05) ngày làm việc kể từ ngày phát hiện việc mất, cháy tem theo Mẫu số 05/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này, các nội dung sau: Ký hiệu mẫu,  ký hiệu, số lượng, lý do mất, cháy tem. Trường hợp tìm lại được tem đã mất, Tổ chức, cá nhân phải thực hiện hủy tem chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày tìm lại  được tem đã mất. 

2. Trường hợp tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước bị hỏng: Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu tiêu thụ trong nước, phải thực hiện hủy tem điện tử rượu bị hỏng không tiếp tục sử dụng. Tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản giao  dịch điện tử còn hiệu lực đã được cơ quan thuế cấp, truy cập Cổng thông tin điện  tử của Tổng cục Thuế để lập thông báo kết quả hủy tem điện tử rượu trên Cổng  thông tin điện tử của Tổng cục Thuế chậm nhất không quá năm (05) ngày làm  việc kể từ ngày hủy tem hỏng theo Mẫu số 04/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm  Thông tư này. 

3. Tổ chức, cá nhân nhận Thông báo của cơ quan thuế qua phương thức  điện tử theo Mẫu số 02/TB/TEM, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này, về việc  chấp nhận hay không chấp nhận thông báo kết quả hủy tem điện tử, báo cáo mất  tem điện tử. 

Trường hợp không được chấp nhận, Tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo  hướng dẫn của cơ quan thuế, gửi lại Mẫu số 04/TEM, 05/TEM Phụ lục 3 ban  hành kèm Thông tư này bằng phương thức điện tử. 

4. Hồ sơ hủy tem điện tử tại tổ chức, cá nhân sản xuất rượu gồm:

- Bảng kiểm kê tem điện tử thuốc lá hoặc tem điện tử rượu cần hủy; 

- Quyết định thành lập Hội đồng hủy tem điện tử thuốc lá hoặc tem điện tử rượu. Hội đồng hủy tem gồm: Đại diện lãnh đạo, đại diện bộ phận kế toán của  doanh nghiệp, đại diện bộ phận sản xuất. Đối với cá nhân sản xuất rượu không  phải lập Hội đồng hủy tem điện tử rượu; 

- Biên bản hủy tem điện tử sản phẩm thuốc lá hoặc tem điện tử rượu, trong  đó nêu rõ lý do, nguyên nhân hủy. Các thành viên Hội đồng hủy tem điện tử thuốc lá hoặc tem điện tử rượu phải ký vào biên bản hủy tem điện tử thuốc lá  hoặc tem điện tử rượu và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót. 
Hồ sơ hủy tem điện tử thuốc lá hoặc tem điện tử rượu được lưu tại tổ chức, cá nhân sử dụng tem điện tử thuốc lá hoặc tem điện tử rượu. 

(Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2021/TT-BTC)

• Câu 28: Các mẫu biểu liên quan đến Tem điện tử? 

Trả lời: Tại Phụ lục 3 ban hành theo Thông tư 23/2021/TT-BTC ngày 30/3/2021  của Bộ Tài chính về Danh mục mẫu biểu liên quan đến việc in, phát hành, quản  lý và sử dụng tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu sản xuất để tiêu thụ trong  nước 

• Câu 29: Khi cần hỗ trợ, xử lý vướng mắc về chính sách thuế? 

Trả lời: Khi có vướng mắc, người nộp thuế liên hệ các số điện thoại sau  đây để được hỗ trợ: 

+ Phòng TT-HT NNT Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng: 0263.3824468 - 0263.3532716 (Hóa đơn) 

- NNT được phân cấp do các Chi cục Thuế trực thuộc quản lý thuế liên  hệ:  

+ Chi cục Thuế Khu vực Đà Lạt- Lạc Dương: 0263.3822026 

+ Chi cục Thuế Khu vực Đức Trọng - Đơn Dương: 0263.3841428 + Chi cục Thuế Khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm: 0263.3866742 

+ Chi cục Thuế Khu vực Lâm Hà - Đam Rông: 0263.3686796 + Chi cục Thuế Khu vực Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên: 0263.3880338 + Chi cục Thuế huyện Di Linh: 0263.3873937 

• Câu 30: Khi cần hỗ trợ, xử lý vướng mắc khác? 

Trả lời: Khi có vướng mắc về các vần đề khác, người nộp thuế liên hệ các  số điện thoại sau đây để được hỗ trợ: 

+ Văn phòng - Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng: 0263.3823411  

+ Số điện thoại đường dây nóng của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng - Phòng  Kiểm tra nội bộ: 0263.3510407  

+ Số điện thoại Nhóm hỗ trợ hướng dẫn sử dụng về dịch vụ điện tử, hóa  đơn điện tử của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng - Phòng CNTT: 0263.3835561 

• Câu 31: Chi tiết nội dung tài liệu truyên truyền được xem ở đâu?

- Trả lời: Chi tiết nội dung Tài liệu truyên truyền kính mời NNT xem tại:

+ Trang Fanpage Cục Thuế: https://www.facebook.com/cucthuelamdong.ldo

+ Trang Zalo Cục Thuế: https://zalo.me/cucthueldo 

+ Trang Thông tin điện tử Cục Thuế: http://lamdong.gdt.gov.vn