Tại buổi làm việc vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã giao nhiệm vụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh xây dựng Đề án phát triển 35.000 con bò sữa vào năm 2030 theo Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn.
Thống kê đến tháng 5/2024, toàn tỉnh phát triển tổng đàn bò sữa khoảng 24.633 con, trong đó chiếm tỷ lệ 78,13% chăn nuôi tại nông hộ và 21,87% chăn nuôi tại doanh nghiệp. Năng suất sữa tươi bình quân đạt từ 20- 22 lít/con/ngày, tương ứng tổng sản lượng sữa tươi 109.736 tấn/năm.
“Việc phát triển chăn nuôi bò sữa đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sử dụng tài nguyên đất đai, điều kiện tự nhiên có hiệu quả…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể tốc độ phát triển đàn bò sữa toàn tỉnh trong thời gian qua còn chậm. Nguyên nhân do dư địa phát triển diện tích đồng cỏ chăn nuôi còn hạn chế trên khu vực trọng điểm các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, dẫn đến nông dân đã chuyển sang canh tác một số cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Bởi vậy, được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc giao nhiệm vụ nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, TP Bảo Lộc phối hợp đánh giá dư địa để nắm bắt nhu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2025-2030. Theo đó, tập trung khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến thức ăn cho bò sữa tại địa phương; nhu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Qua đó đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả Đề án như: hỗ trợ tinh bò sữa; con giống bò sữa chất lượng cao; vắc xin phòng bệnh; xây dựng chuồng trại mẫu; cơ giới hóa; ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin