Triển khai 2 năm, Nghị quyết số 21 ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện bền vững và hiện đại, các vùng nông nghiệp TP Bảo Lộc đã, đang chuyển đổi từng vùng chuyên canh cây trồng, mở rộng từng khu vực chăn nuôi an toàn, đạt giá trị kinh tế cao hơn.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm đã cung cấp nguyên liệu kén chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến tơ xuất khẩu từ TP Bảo Lộc |
• KHÔNG CÒN DIỆN TÍCH THU NHẬP DƯỚI 50 TRIỆU ĐỒNG/HA
Ghi nhận trên vùng nông nghiệp TP Bảo Lộc hiện nay không còn diện tích canh tác giá trị dưới 50 triệu đồng/ha. Nguyên nhân đạt được kết quả này, ngành Nông nghiệp TP Bảo Lộc đã áp dụng các biện pháp chuyển đổi giống, ghép cải tạo cây trồng phù hợp với lợi thế sinh thái ở mỗi địa phương. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn TP Bảo Lộc phát triển 795 ha diện tích cây dâu tằm, sản lượng thu hoạch 6.280 tấn, tăng 5,83% và 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Người sản xuất đã và đang cũng chuyển đổi giống dâu địa phương sang trồng các giống dâu lai như Quế ưu, S7CB…, đạt năng suất cao và chất lượng cao, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nghề nuôi tằm dệt lụa. Với giá kén thị trường giữ ở mức 200.000 đồng/kg trong thời gian qua, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bảo Lộc đang có xu hướng phát triển cả về diện tích canh tác và quy mô nuôi tằm.
Bên cạnh đó, diện tích cây ăn quả trên địa bàn TP Bảo Lộc cũng được đánh giá thuộc nhóm cây chủ lực phát triển hiệu quả. Với tổng diện tích 1.510 ha, cây ăn quả phần lớn trồng xen trong vườn cà phê, vườn chè, đạt thu nhập đáng kể. Tiêu biểu như cây sầu riêng 636,8 ha, cây chuối 49,5 ha, tăng 2,88% và tăng 3,56% so với cùng kỳ; cây măng cụt xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “măng cụt Bảo Lộc”. Tính chung giai đoạn năm 2021-2024, các loại cây chủ lực trên vùng nông nghiệp TP Bảo Lộc đã chuyển đổi ước đạt 100 ha/2.343 ha cây chè, 2.016 ha/13.018 ha cây cà phê và 82 ha/795 ha cây dâu tằm. “Trên địa bàn TP Bảo Lộc ngày càng nhiều diện tích đã được nông hộ chủ động áp dụng các giải pháp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí công nghệ cao, quy trình tuần hoàn bền vững như: quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng; tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ vi sinh, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi...”, ngành Nông nghiệp Bảo Lộc đánh giá.
Theo đó, trong 3 năm 2022, 2023 và 2024, TP Bảo Lộc đã lần lượt vận động và chuyển đổi ngành nghề đối với gần 60 nông hộ chăn nuôi trên địa bàn các Phường 2, B’lao, Lộc Sơn, Lộc Phát, Lộc Tiến. Qua đó có trên 70% khối lượng chất thải rắn như: phân gia súc, gia cầm, chất độn chuồng được thu gom, ủ vi sinh làm phân bón cho cây trồng. Đồng thời, có khoảng 60% lượng nước thải từ chăn nuôi gia súc được dẫn vào hệ thống hầm biogas để xử lý tạo khí đốt, dẫn vào các bể sinh học để tưới cho cây trồng. Đối với lĩnh vực trồng trọt, ước tính 90% lượng vỏ cà phê được người dân, các cơ sở thu mua, chế biến tận dụng ủ phân hữu cơ bằng men sinh học, tiết kiệm 10-15% chi phí phân bón; 92% phụ phẩm từ trồng dâu, nuôi tằm sử dụng làm phân bón trực tiếp cho trồng trọt; khoảng 30% phụ phẩm cây rau được xử lý tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc cây trồng giữ ẩm…
• VÙNG NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT THEO QUY TRÌNH CHẤT LƯỢNG AN TOÀN
Kết quả diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6 tháng đầu năm 2024 toàn TP Bảo Lộc đạt 4.250 ha. Trong đó, diện tích ứng dụng công nghệ cao 190 ha rau, hoa; 1.138 ha cây chè; 2.200 ha cây cà phê; 760 ha cây ăn quả. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp toàn thành phố năm 2023 đạt 2.444,8 tỷ đồng, tăng 1,4% so cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 579,3 tỷ đồng. Thành phố đã hình thành và phát triển 12 chuỗi liên kết giá trị (5 chuỗi từ nguồn ngân sách địa phương; 7 chuỗi được từ nguồn ngân sách tỉnh), thu hút 7 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 379 hộ nông dân tham gia; mỗi năm hình thành 3-4 chuỗi liên kết; phát triển 5-7 sản phẩm xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên.
Mục tiêu đến năm 2025, TP Bảo Lộc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp 3,5-4,5%; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 220 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận cho hộ nông dân từ 30-35%. Ngoài ra cây trồng chủ lực như chè, cà phê, dâu tằm, cây ăn quả phát triển bền vững với 60-70% diện tích; 80-90% vùng nguyên liệu thực hiện quy trình sản xuất an toàn; trên 25% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ tuần hoàn. Giải pháp để đạt và vượt các mục tiêu đề ra, “TP Bảo Lộc tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại, bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, chú trọng sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với du lịch canh nông, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng suất chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến nông sản, thực phẩm...”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin