Nông dân Lâm Hà vững vàng làm kinh tế giỏi

THÂN THU HIỀN 01:36, 14/08/2024

Vận động, tạo điều kiện vay vốn cho các hội viên trên địa bàn xã, thị trấn, những năm qua, Hội Nông dân huyện Lâm Hà đã triển khai và lan tỏa Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo việc làm ổn định cho gia đình và lao động địa phương.

Nhiều nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập ổn định
Nhiều nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập ổn định

Là một trong những thành viên của Tổ hợp tác (THT) Trồng dâu, nuôi tằm, hộ nông dân K’Pang (xã Phú Sơn) chia sẻ: “Tôi làm quen với trồng dâu, nuôi tằm nhờ có sự hướng dẫn của mẹ và người em ruột lấy vợ ở xã Phi Tô truyền đạt kinh nghiệm. Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cà phê để có thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cà phê có giá thành thấp, năm 2022, tôi dành 1 sào để trồng dâu với loại giống siêu lá. Khi đã ổn định hơn, tôi thuê thêm 2 sào đất của hàng xóm để trồng thêm dâu”.

Theo chị K’Pang, trung bình mỗi tháng, gia đình thu được 1 hộp kén tằm với mức thu nhập trung bình là 6 đến 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. “Trồng ổn định, tôi được giới thiệu và tham gia vào THT Trồng dâu, nuôi tằm trong thôn. Qua đó, gia đình có thêm điều kiện được vay vốn, hỗ trợ mua nong né, phân bón và tham gia chia sẻ kinh nghiệm để các thành viên trong tổ phát triển kinh tế” - chị K’Pang cho hay.

Ông Trương Quý Dương - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Prteing 2 cho biết, ban đầu, nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngại nuôi vì không biết cách trồng dâu và sợ con tằm. Nhưng khi được cán bộ xã hướng dẫn, thấy được việc nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao nên các gia đình đã chuyển đổi. Trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều, để tằm phát triển tốt, nông hộ cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt, việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn.

Huyện Lâm Hà có diện tích tự nhiên khoảng 94.300 ha; trong đó có gần 50.000 ha đất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có khoảng 76.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó số hội viên nông dân là 21.928 người, có 72,6% số hộ gia đình nông dân có hội viên nông dân.

Để nâng cao chất lượng hội viên gắn với đẩy mạnh Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện đã xác định công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia tổ chức thực hiện Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Bà Lê Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà khẳng định: “Từ phong trào này, nhiều nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, mạnh dạn sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và trở thành những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, phong trào được phát triển cả chiều rộng, chiều sâu, tạo tiền đề cho nông dân tiếp cận thị trường, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, thành lập các tổ hợp tác, các hợp tác xã phát triển sản xuất quy mô hàng hóa. Năm 2023, thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người”.

Với tiêu chí nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, số hộ đăng ký và đạt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ huyện đến cơ sở đều tăng theo các năm. Cụ thể như năm 2021 có 9428 hộ đạt, năm 2022 có 10782 hộ đạt, đến năm 2023 có 13.299 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở.

Tuy nhiên, thời gian qua, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương cũng như các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhiều diện tích đất vẫn còn để hoang hoặc trồng những cây có giá trị kinh tế thấp. Việc đầu tư thâm canh còn hạn chế nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao; đặc biệt đầu ra thiếu ổn định kể cả một số sản phẩm có hợp đồng liên kết từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và khả năng đầu tư của người dân. Kết quả phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các hộ; còn nặng về thành tích, số lượng, chất lượng chưa cao. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp tỉnh còn thấp. Kỹ năng tuyên truyền của cán bộ Hội chưa đủ sức thuyết phục, hội viên nòng cốt chưa thực sự mạnh dạn gương mẫu đi đầu trong xây dựng mô hình để hội viên tin tưởng và làm theo; phần lớn hội viên nông dân vẫn còn tư tưởng an phận, trông chờ, thiếu mạnh dạn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Lâm Hà tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phối hợp với cơ sở đẩy mạnh Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bên cạnh đó, hội tuyên truyền nhân rộng gương điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm quyết tâm vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phối hợp đào tạo nghề, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà khẳng định.