Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, lưu trữ, đóng gói, vận chuyển hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, Lâm Đồng xây dựng 1 Trung tâm Logistics tại huyện Đức Trọng gắn với Cảng hàng không Liên Khương giai đoạn đến năm 2030 và 1 Trung tâm Logistics TP Bảo Lộc giai đoạn sau năm 2030.
Toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xây dựng trung tâm sau thu hoạch, tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics trong nước và nước ngoài |
• TẠO THÀNH MẠNG LƯỚI KẾT CẤU HẠ TẦNG LOGISTICS HIỆN ĐẠI
Cũng trong giai đoạn năm 2024 - 2030, bên cạnh xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Giao dịch hoa Đà Lạt, trên địa bàn tỉnh hình thành các kho bảo quản nông sản tập trung các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh và Đạ Huoai gắn với dịch vụ logistics theo quy trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ đến vận chuyển và phân phối người tiêu dùng. Qua đó đảm bảo hoạt động logistics toàn tỉnh Lâm Đồng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, mở rộng liên kết vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế.
Theo ngành chức năng, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng các chính sách pháp luật, toàn tỉnh cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức kiểm tra chuyên ngành và hoạt động cung ứng, phát triển dịch vụ logistics; đồng thời xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế, phát triển nguồn nhân lực cho các trung tâm giao dịch, kho, bãi, dịch vụ logistics trên địa bàn. Đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng đầu tư hạ tầng kho bãi, vận tải lạnh, đóng gói, chiếu xạ, kiểm định tại những địa bàn trọng điểm sản xuất rau, hoa, cà phê (TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng); sầu riêng (huyện Đạ Huoai, TP Bảo Lộc); chè, dâu tằm (TP Bảo Lộc).
“Toàn tỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp từng vùng sản xuất tập trung các huyện, thành phố trực thuộc, từ đó xây dựng trung tâm sau thu hoạch, điểm tập kết hàng hóa, vận chuyển đến trung tâm phân phối, dịch vụ trong cả nước; tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại với Cảng Cát Lái tại tỉnh Đồng Nai, Cảng Hiệp Phát tại TP Hồ Chí Minh…”, ngành chức năng nhấn mạnh mục tiêu quy hoạch. Theo đó giai đoạn năm 2024 - 2030, bổ sung quy hoạch Trung tâm Logistics ở huyện Đức Trọng gắn với Cảng hàng không Liên Khương vào quy hoạch phát triển các trung tâm logistics cả nước; xây dựng Trung tâm Giao dịch hoa Đà Lạt nói trên, nhằm kết nối các chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai). Trong giai đoạn này còn, tập trung xây dựng cảng cạn diện tích 5 ha kết hợp Trung tâm Logistics quy mô 50 - 100 ha thuộc địa bàn xã Liên Hiệp, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Tương tự giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục xây dựng 5 ha cảng cạn kết hợp Trung tâm Logistics tại phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, quy mô 10 ha.
• MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG LOGISTICS TỪ NƯỚC LÁNG GIỀNG
Ngành chức năng cũng cho biết thêm, để phát triển thị trường logistics giai đoạn trước và sau năm 2030, giải pháp tập trung hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác nguồn hàng cho Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng; Lộc Sơn, TP Bảo Lộc; mở rộng nguồn hàng trên địa bàn TP Đà Lạt cùng các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics, thu hút nguồn hàng từ TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa vào tỉnh Lâm Đồng và ngược lại. Ngoài ra còn triển khai giải pháp lồng ghép các hoạt động hợp tác với việc mở rộng thị trường logistics từ nước láng giềng và ngược lại như: nguồn hàng từ nước Lào qua cửa khẩu Bờ Y theo Quốc lộ 14 đến tỉnh Kon Tom, Đắk Lắk; theo Quốc lộ 27 đến TP Đà Lạt; từ khu vực Môndulkiri của nước Campuchia qua thị trấn Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông theo Quốc lộ 28 đến huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Để phát triển thị trường logistics Lâm Đồng, từng đơn vị chuyên trách được UBND tỉnh Lâm Đồng giao chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên. Đó là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics trong chuỗi cung ứng nông sản từ khâu bảo quản, sơ chế, chế biến đến khâu vận chuyển, phân phối; kết nối nguồn hàng nông sản trung chuyển qua các trung tâm logistics và kho hàng trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa nguồn lực phát triển dịch vụ logistics. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đào tạo nghề liên quan đến dịch vụ logistics, tích hợp với trình độ giáo dục chung cả nước và khu vực. Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ hoạt động logistics…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin