(LĐ online) - Ngày 9/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Giải pháp quản lý nhà kính sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tham dự có đại diện Viện Môi trường nông nghiệp, Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Đà Lạt, Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Watanabe Pipe Việt Nam, Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Công ty TNHH Nhà kính Nguyễn Thành; Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cùng 20 đại biểu doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ nhà kính sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Báo cáo tại Hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, tính đến hết quý I/2024, diện tích nhà kính toàn tỉnh 5.688,48 ha, tăng gần 271,6 ha so với năm 2022. Trong đó thành phố Đà Lạt gần 2.900,3 ha; các huyện Đức Trọng 317,6 ha; Đơn Dương 450 ha; Lạc Dương gần 1.648,2 ha. So với năm 2022, diện tích nhà kính làm mới giảm 7 ha (Đà Lạt); tăng gần 19,2 ha (Đức Trọng); tăng 48 ha (Đơn Dương); tăng hơn 182,6 ha (Lạc Dương). Và diện tích giải tỏa nhà kính trái phép ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương lần lượt gần 71,6 ha; 3,5 ha; hơn 14,7ha và gần 4,7ha.
Quang cảnh Hội thảo |
Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, canh tác rau, hoa trong nhà kính giảm 30% lượng nước tưới và phân bón và giảm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều doanh nghiệp, nông dân thu nhập hàng tỷ đồng thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính. Theo từng loại rau, hoa khi công nghệ nhà kính ứng dụng đồng bộ với các công nghệ cao khác, năng suất cao hơn 2 - 3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5 - 2 lần so với cây trồng không trồng trong nhà kính.
Đại biểu phát biểu đề xuất giải pháp quản lý nhà kính |
Tuy nhiên, việc phát triển nhà kính tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Một số loại rau, hoa không nhất thiết phải trồng trong nhà kính, tính đa dạng sinh học bị hạn chế, thành phần nhiều loài thiên địch trong nhà kính giảm so với môi trường tự nhiên; ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất. Một số côn trùng chích hút như bọ trĩ, bọ phấn, nhện đỏ gia tăng, trong khi các loài côn trùng tham gia thụ phấn giảm, ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả; mức độ đầu tư nhà kính đạt chuẩn với chi phí cao…
Đại biểu phát biểu đề xuất giải pháp quản lý nhà kính |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ghi nhận, tổng hợp và sẽ nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng các giải pháp quản lý nhà kính thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn như: Đẩy nhanh lập, phê duyệt quy hoạch đô thị gắn với quy họach sử dụng đất và quy hoạch sản xuất nông nghiệp; công khai quy hoạch và kế hoạch quản lý phát triển nhà kính (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội); chọn các vùng phát triển nhà kính bằng phẳng, thoát nước tốt, ánh sáng ổn định, độ ẩm thấp, tiện đường giao thông, có gió nhẹ (Viện Môi trường Nông nghiệp); chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường (Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam)…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin