(LĐ online) - Chiều 10/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã công bố phác đồ điều trị, hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa.
Người dân chăm sóc bò bị nhiễm bệnh |
Theo đó, từ ngày 30/7/2024, trên địa bàn các huyện Đơn Dương và Đức Trọng xuất hiện hiện tượng bò sữa bị tiêu chảy cấp làm một số bê, bò sữa chết.
Lũy kế đến ngày 9/8, đã có 3.917 con (bê, bò sữa) của 202 hộ trên địa bàn 6 xã/2 huyện bị bệnh; trong đó, bị chết 172 con.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh, đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã vào hiện trường điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Được sự tham vấn của Cục Thú y, Phân viện Thú y miền Trung, các chuyên gia đầu ngành và kỹ thuật của các công ty chăn nuôi bò sữa trên địa bàn cả nước..., Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa. Đề nghị Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai thực hiện.
Trong đó, nêu rõ các biện pháp an toàn sinh học: Phân nhóm bò để chăm sóc, quản lý và điều trị; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng thời các loại hóa chất để sát trùng…
Với phác đồ chăm sóc và điều trị bò bệnh: Trường hợp bò, bê có triệu chứng nhẹ, kém ăn (lơ ăn), sốt dưới 40 độ C, phản xạ kém, giảm sản lượng sữa, tăng nhịp thở, nhu động ruột tăng, xử lý theo 2 trường hợp sau đây và tiếp tục theo dõi.
+ Đối với bò, bê đã được tiêm vắc xin phòng bệnnhviêm da nổi cục hoặc các vắc xin khác trước đó: Dùng các loại thuốc tăng cường sức đề kháng, trợ tim, trợ lực: Vitamin C, tiêm Vitamin tổng hợp; Caphein natri benzoate, truyền dung dịch Glucoza ưu trương 10-30% + Điện giải (Lactat Ringer) hoặc hòa hỗn hợp chất điện giải theo hướng dẫn của Nhà sản xuất cho bò, bê uống tự do (Vita-Electrolytes, Gluco KC, Nova-Dextrolytes, ...).
Hỗ trợ tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đường ruột bằng cách trộn men tiêu hóa (Probiotic) có chứa các loại vi sinh vật, nấm men có lợi tại dạ cỏ và đường tiêu hóa như Bacillus subtilis, Saccharomyces... vào thức ăn thô xanh.
Tăng lượng thức ăn thô xanh (cỏ, thân bắp - cây ngô,...), giảm thức ăn tinh (đậm đặc).
+ Đối với bò, bê chưa được tiêm vắc xin phòng bệnnhviêm da nổi cục hoặc các vắc xin khác trước đó: Cân nhắc sử dụng một trong các loại kháng sinh phổ rộng, mẫn cảm với các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, đường hô hấp như: Enrofloxacin, Amoxicillin, Marbofloxacin, Neomycin, Navet-Enro 100, Navet-Cel, Syvaquinol, Ceftiofur, Ceftiofen (Ceftiofure + Ketoprofen), Ceptrixon LA, Marbovitryl, Nova-Enrocin 10%,...
Ưu tiên sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ hoặc kháng sinh dòng Fluoroquinolones (Enrofloxaxin, Marbofloxaxin); Oxytetracyclin,... theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trường hợp bò bệnh nặng: Bò, bê mệt mỏi, bỏ ăn, sốt cao từ 40 độ C trở lên, thở dốc, viêm đường hô hấp, ủ rủ, chảy nước dãi, tiêu chảy phân lỏng dạng nước (có thể lẫn máu, niêm mạc ruột), vận động kém hoặc nằm một chỗ, triệu chứng mất nước và điện giải biểu hiện rõ (lõm hốc mắt, sụt cân nhanh...) hoặc có biểu hiện thần kinh (do máu bị cô đặc - nhiễm độc).
Liệu trình điều trị chung cho tất cả bò có triệu chứng nặng (đã tiêm hoặc chưa tiêm vắc xin viêm da nổi cục hoặc các loại vắc xin khác trước đó) cũng có các danh mục thuốc đặc trị, chuyên trị được hướng dẫn cụ thể.
Đồng thời, ngành chức năng cũng đưa ra khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học Interferon (Navet-interferon,...) trên toàn bộ bò, bê tại trại đang nhiễm bệnh.
Không được bán, vận chuyển, giết mổ bò mắc bệnh, chết. Không vứt xác bò chết ra ngoài môi trường. Tiêu hủy bò chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.
Nhân viên thú y tham gia điều trị không đi lại/hạn chế đi lại giữa các trang trại, hộ chăn nuôi khi không cần thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin