Chồng lấn quy hoạch khoáng sản, hàng loạt quy hoạch khác bị đình trệ

CHÍNH THÀNH 16:36, 04/09/2024

(LĐ online) - Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đã có nhiều kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan tới tình trạng chồng lấn quy hoạch khoáng sản, làm đình trệ nhiều hoạt động ở khu vực.

TP Bảo Lộc có hơn 4.283 ha đất thuộc Quy hoạch khoáng sản, với tổng số dân bị ảnh hưởng là 27.049 người.
Toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 70.200 ha đất thuộc quy hoạch khoáng sản, với tổng số dân bị ảnh hưởng là hơn 97.000 người

QUY HOẠCH GẦN 70.200 HA, TRÊN 97.000 NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 và Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch khoáng sản), thời gian qua, Lâm Đồng đang gặp một số vướng mắc rất lớn.

Thống kê sơ bộ, tổng diện tích quy hoạch khoáng sản trên địa bàn Lâm Đồng là gần 70.200 ha tại TP Bảo Lộc và các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Trong đó, huyện Bảo Lâm quy hoạch khoáng sản bô xít, vonfram với diện tích gần 53.000 ha, dân số bị ảnh hưởng 65.574 người trên địa bàn 9 xã và 1 thị trấn.

TP Bảo Lộc quy hoạch khoáng sản bô xít, diatomit diện tích gần 4.284 ha, dân số bị ảnh hưởng 27.049 người trên 2 xã và 3 phường.

Huyện Di Linh quy hoạch khoáng sản bô xít, thiếc, bentonite diện tích gần 8.700ha, dân số bị ảnh hưởng 4.900 người trên 9 xã.

Các huyện còn lại, gồm: Lạc Dương với 2.322 ha quy hoạch khoáng sản thiếc; Đức Trọng  với 51,4 ha quy hoạch khoáng sản vàng, bentonite; Đạ Huoai  với 2.231,2 ha quy hoạch khoáng sản bô xít; Đạ Tẻh với 2.074,8 ha quy hoạch khoáng sản bô xít, khảo sát ít ảnh hưởng tới dân số.

Quy hoạch khoáng sản này phần lớn đang chồng lấn với quy hoạch đất khu dân cư hiện hữu, đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng. 

Khai thác bô xít tại huyện Bảo Lâm
Khai thác bô xít tại huyện Bảo Lâm

KHÔNG THỂ TRIỂN KHAI CÁC ĐỒ ÁN QUY HOẠCH ĐÃ PHÊ DUYỆT

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian quy hoạch khai thác khoáng sản đến năm 2050 trùng với thời gian quy hoạch xây dựng vùng huyện nên không thể triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt theo quy định.

Vì vậy, các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt chỉ phục vụ được công tác quản lý, nhưng chưa phục vụ được việc tổ chức triển khai theo quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, không thể triển khai đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, các khu chức năng (vướng nguyên tắc thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trước, sau đó mới thực hiện việc hoàn nguyên và triển khai đầu tư, xây dựng).

Các vị trí khoanh ranh quy hoạch (khu thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản) tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh... là rất lớn, ảnh hưởng đến nội dung và kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng; đa phần thuộc khu vực tập trung dân cư đông đúc đã được đầu tư hạ tầng, như: Khu trung tâm hành chính của huyện, xã, thị trấn, phường thuộc các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP  Bảo Lộc; công trình trụ sở UBND huyện, xã, trường học, trạm y tế, bưu điện, chợ, khu vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và các tổ chức trong việc sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công trình tôn giáo.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch, khu vực khai thác, thăm dò khoáng sản bao gồm các khu dân cư đã sinh sống ổn định, nên việc di dời để thực hiện việc khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, dẫn đến mất ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Luật Quy hoạch khoáng sản còn ảnh hưởng đến việc triển khai quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung và các dự án khác từ nguồn vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh phê duyệt, như: Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; Khu dân cư, tái định cư tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc (19,567 ha) và tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (3,78 ha); Dự án xây dựng nhà máy cấp nước Bảo Lộc;  Dự án đầu tư hệ thống cấp nước hồ Lộc Thắng...

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng vào ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng tiếp thu ý kiến của địa phương, khẩn trương tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật khoáng sản.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng vào ngày 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tiếp thu ý kiến của địa phương, khẩn trương tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Khoáng sản cho phù hợp

CẦN SỚM GIẢI QUYẾT CÁC VƯỚNG MẮC

Từ những vướng mắc khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét giải quyết 5 nội dung để sớm gỡ vướng mắc trong việc chồng lấn giữa vùng bị tác động bởi quy hoạch khoáng sản và quy hoạch sử dụng đất để địa phương thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt với các vùng dự án đang bị chồng lấn do quy hoạch khoáng sản.

Tỉnh Lâm Đồng đã tổng hợp 2 danh sách báo cáo đề xuất, xem xét tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên cũng như danh sách khu vực khoáng sản đề xuất hạn chế, cấm hoặc tạm cấm hoạt động khoáng sản để thực hiện các dự án, công trình cấp bách, quan trọng đặc biệt là các dự án đầu tư công…

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ngày 25/8 mới đây, ông Nguyễn Hoàng Long - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết Bộ đã có công văn trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương rà soát, tham mưu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo hướng đưa ra khỏi các khu đô thị, khu dân cư nông thôn hiện hữu và dự kiến phát triển phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện đầu tư, phát triển địa phương; giải quyết các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức liên quan quan, Bộ Công thương cho rằng các dự án huy động từ các nguồn lực xã hội, dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở vận dụng quy định tại Điều 26, Điều 28 Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và quy định pháp luật liên quan như đề nghị của tỉnh Lâm Đồng là có cơ sở.

Trên cơ sở kết quả công tác phối hợp giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo nhiệm vụ nêu trên, Bộ Công thương đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cung cấp kết quả loại trừ các khu vực đã được khoanh định là khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản nhưng chưa cập nhật vào quy hoạch khoáng sản trong quá trình Bộ Công Thương tổ chức rà soát quy hoạch khoáng sản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ 5 năm hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo nhiệm vụ được giao.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền quyết định khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản theo quy định tại Khoản 2, Điều 26, Luật Khoáng sản. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại Khoản 5, Điều 28 Luật Khoáng sản. Theo quy định, các quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, trường hợp các quy hoạch của tỉnh mâu thuẫn bao gồm cả việc chồng lấn quy hoạch với quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành, cần phải được rà soát, điều chỉnh…

Đối với những dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, nhưng trong quá trình thực hiện có vướng mắc, trong đó có vấn đề chồng lấn về diện tích sử dụng đất, Bộ đề nghị các địa phương rà soát kỹ để điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp, cũng như xử lý những vướng mắc trong thẩm quyền của mình, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Người dân huyện Bảo Lâm và nhiều khu vực khác của tỉnh không thể xây nhà vì vướng quy hoạch khoáng sản
Người dân huyện Bảo Lâm và nhiều khu vực khác của tỉnh Lâm Đồng không thể xây nhà vì vướng quy hoạch khoáng sản

NHANH CHÓNG ĐIỀU CHỈNH CÁC NỘI DUNG CHƯA SÁT THỰC TẾ

Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc nêu trên, Thủ tướng  Phạm Minh Chính nhận định qua nhiều kiến nghị vướng mắc của Lâm Đồng và các địa phương khác thì rõ ràng một số điểm của Luật Khoáng sản chưa sát với thực tế. Hiện nay, chúng ta chưa khai thác khoáng sản, đang quy hoạch dài hạn nhưng không cho phép người dân sử dụng đất là vướng mắc lớn.

Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của địa phương, tham mưu sửa ngay Luật Khoáng sản trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 sắp tới với tinh thần chia sẻ, lắng nghe. Chúng ta chưa sát nội dung nào, cái gì cần sửa phải nhanh chóng điều chỉnh vì đây không phải chỉ giải quyết riêng cho tỉnh Lâm Đồng mà còn nhiều tỉnh khác.

“Quy hoạch khoáng sản đang gây khó khăn cho các địa phương là vướng mắc pháp lý của Luật Khoáng sản cần điều chỉnh, giải quyết sớm. Vấn đề này thuộc lĩnh vực của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nên tôi đề nghị Phó Thủ tướng mời các bộ, ngành liên quan và tỉnh Lâm Đồng họp bàn về những vướng mắc, xem xét có cần bổ sung quy hoạch, cập nhật quy hoạch, chỉnh sửa nội dung gì của Luật và phải giải quyết dứt điểm trong tháng 9/2024” -  Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng ngày 25/8.