Chuỗi liên kết nhiều triển vọng ở Đà Lạt

VĂN VIỆT  05:12, 24/09/2024

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau sạch Nguyễn Minh sau một năm hoạt động đã mở ra nhiều triển vọng nhân rộng diện tích từ vùng nông nghiệp TP Đà Lạt sang vùng nông nghiệp huyện Lạc Dương, đáp ứng các điều kiện tham gia xếp hạng sản phẩm nông sản OCOP ở địa phương.

9 tháng đầu năm 2024, HTX Rau sạch Nguyễn Minh bao tiêu mỗi ngày 2 tấn rau, củ, quả 
của nông hộ liên kết để sơ chế, đóng gói cung cấp cho thị trường
9 tháng đầu năm 2024, HTX Rau sạch Nguyễn Minh bao tiêu mỗi ngày 2 tấn rau, củ, quả của nông hộ liên kết để sơ chế, đóng gói cung cấp cho thị trường

Một trưa tháng 9/2024, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Nguyễn Minh (Nguyên Tử Lực, Đà Lạt) Nguyễn Văn Cương đưa phóng viên đến khu vực nhà kính hàng ngàn mét vuông của nông hộ liên kết trong đường hẻm sâu Võ Trường Toản, Đà Lạt khi vừa thu hoạch một khối lượng rau, quả đáng kể để đóng gói, vận chuyển tiêu thụ các kênh phân phối trong cả nước. Ở đây không chỉ luân canh nhiều loại cà chua cao cấp mà còn có nhiều giống rau mới như cải kale, ớt chuông có nguồn gốc từ Mỹ, châu Âu theo kế hoạch phân bổ sản lượng bao tiêu của HTX Rau sạch Nguyễn Minh, ước đạt lợi nhuận trung bình cả năm khoảng 100 triệu đồng/1.000 m2 nhà kính. Giám đốc Nguyễn Văn Cương nói rằng, đây là 1 trong 18 nông hộ trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương sản xuất liên kết trên tổng diện tích gần 17,5 ha, thu hoạch hàng ngày hơn 60 loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, gồm phần lớn các loại rau chủ lực được thị trường trong nước tiêu thụ số lượng ngày một tăng thêm như: khoai tây, cà rốt baby, dưa leo baby, cà chua trái cây, cà chua beef, bông cải, cải khổng lồ, cải bó xôi, cần tây…

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, với hơn 60 loại rau VietGAP của 18 nông hộ liên kết vừa nêu, HTX Rau sạch Nguyễn Minh mỗi ngày đến tận vườn bao tiêu, tập kết về khu vực sơ chế, đóng gói tổng sản lượng trên 2 tấn rồi chất lên xe lưu thông trong ngày cung cấp thị trường trong nước. Trong đó chiếm tỷ lệ 50% thị trường miền Bắc, 25% thị trường miền Trung và 25% thị trường miền Nam. “HTX chúng tôi bao tiêu 100% sản lượng rau của nông hộ liên kết sản xuất đưa về khu vực nhà xưởng 200 m2 phân loại trước khi sơ chế, đóng gói, vận chuyển đi tiêu thụ thị trường 3 vùng, miền trong nước. Trong đó chiếm 80-90% tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích; 10- 20% tiêu thụ các chợ đầu mối… ”, Giám đốc Nguyễn Văn Cương cho biết thêm.

Theo hợp đồng liên kết, HTX đầu tư phân bón, giống, tổ chức sản xuất, tư vấn kỹ thụật và bao tiêu đầu ra, thanh toán giá rau theo từng thời điểm, tăng trung bình 5% so với giá thị trường. Nông hộ liên kết có diện tích đất sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có đủ lao động, sản xuất từng chủng loại giống theo từng thời vụ, đáp ứng chỉ tiêu của HTX. Thông thường với thời tiết vùng nông nghiệp TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô, nên HTX phải chọn các loại rau canh tác phù hợp để triển khai cho từng nông hộ thành viên, đảm bảo phân phối trung bình lợi nhuận mỗi năm 40 triệu đồng/1.000 m2 ngoài trời và 100 triệu đồng/1.000 m2 nhà kính nói trên. Như 6 tháng mùa khô, HTX thống nhất với nông hộ thành viên sản xuất ngoài trời các loại rau cần tây, lơ xanh, đậu, bầu, bí, khoai tây, cà rốt…Còn 6 tháng mùa mưa tập trung sản xuất trong nhà kính các loại ớt chuông, cà chua, súp lơ baby, cải xanh, xà lách giống mới…

Qua khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, HTX Rau sạch Nguyễn Minh trong năm 2024 đã liên kết sản xuất với 18 nông hộ, quy mô gần 17,5 ha. Giá thu mua sản phẩm của nông hộ liên kết, HTX tăng khoảng 5% so với giá thị trường. Đặc biệt, 100% sản phẩm đóng được gói bao bì, dán tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi đưa ra thị trường. Triển vọng đến năm 2025, HTX sẽ tăng lên tổng số 30 nông hộ liên kết sản xuất trên tổng diện tích gần 25,5 ha. “Năm 2026, HTX Rau sạch Nguyễn Minh sẽ duy trì liên kết với các nông hộ đang sản xuất và tiếp tục ký hợp đồng với các công ty, HTX nông nghiệp, nông hộ mới trên địa bàn TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương cũng như các huyện khác của tỉnh Lâm Đồng. Qua đó tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới; mở rộng vùng nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tạo việc làm cho người lao động tại địa phương; xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của HTX đạt ít nhất 3 sao; lợi nhuận tăng thêm mỗi năm 3-5%...”, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.

Còn Giám đốc Nguyễn Văn Cương thì nêu thêm dự kiến trong năm 2025, HTX Rau sạch Nguyễn Minh sẽ hoàn thành đàm phán tiến tới ký kết hợp đồng xuất khẩu ớt chuông các loại sang thị trường châu Âu, mỗi tháng khoảng 7 tấn, từ đó góp phần tăng hơn nữa lợi nhuận sản xuất của nông hộ liên kết ổn định lâu dài.