Có lộ trình, giải pháp tháo gỡ, không vì khó mà dừng lại

LÊ HOA 06:17, 10/09/2024

Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái chủ trì, đưa ra nhiều cách tiếp cận về các vấn đề khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều tháng nay của tỉnh; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải có lộ trình và giải pháp tháo gỡ một cách thấu đáo, dù không thể làm ngay, nhưng không thấy khó mà dừng lại…

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch 
thì Quy hoạch ngành phải tuân thủ Quy hoạch quốc gia
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch thì Quy hoạch ngành phải tuân thủ Quy hoạch quốc gia

THÁO GỠ TRONG GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG, THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC...

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái cho rằng: Giải ngân vốn đầu tư công gắn liền với các dự án đầu tư công, các dự án đất đai của doanh nghiệp... Tuần trước, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái làm việc với TP Bảo Lộc, được báo cáo là hầu như các dự án đầu tư công ở địa phương này đều tắc hết, thu ngân sách nhà nước ở mức thấp nhất tỉnh, chỉ đạt có 28%. Một trong những vấn đề gây ra ách tắc các dự án đầu tư công ở Bảo Lộc liên quan đến Quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đưa ra yêu cầu, cách tiếp cận không phải là dừng lại, vì nếu dừng lại thì các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của tỉnh phải dừng lại, như thế tỉnh không phát triển được. 

Một vấn đề nữa có thể thấy rất rõ ở các địa phương là các công trình rất thiết thực như hội trường UBND, trường học, đang vướng vào đất quy hoạch rừng không được xây dựng; hay phải sửa chữa mà không sửa chữa được. Đặt giả thuyết vào năm học rồi mà trường học không được sửa chữa, lỡ có những đổ vỡ ảnh hưởng đến các cháu thì ai chịu trách nhiệm? Quy hoạch 1/500 thuộc thẩm quyền cấp huyện, nhưng quy định phải qua Sở Xây dựng phê duyệt mới được thực hiện. Vậy, huyện cần các sở và UBND tỉnh tháo gỡ vấn đề gì thì phải tháo gỡ xong, chưa thể xong ngay thì ít nhất phải có giải pháp rõ ràng, lộ trình cụ thể, phương pháp cụ thể, cách làm cụ thể… 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặt câu hỏi về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp được xác định là đối tượng chính quyền phục vụ để thu thuế phục vụ Nhân dân. Nhưng, trong thời gian vừa qua rất nhiều dự án tồn đọng. Quy chế hoạt động của UBND, Quy chế thẩm định các dự án quy định thời gian cụ thể, trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành? Hiện trạng của tỉnh Lâm Đồng là có những dự án, thời gian giải quyết chỉ 1-2 tháng, nhưng đã bị “ngâm” đến hàng năm? Trong khi liên quan đến cấp phép chỉ có 3 loại: Nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp phép ngay; nếu vướng về pháp lý thì nêu lên, tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp cùng sở, ngành ngồi lại để tìm cách xử lý; nếu hồ sơ không thể cấp phép được thì trả lại cho doanh nghiệp! Vậy, vấn đề nằm ở đâu, khi hàng trăm dự án đang nằm chờ ở các sở, ngành mà chưa được tháo gỡ?

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Văn phòng UBND tỉnh phải là đầu mối kết nối các sở, ban, ngành và địa phương tập hợp các nhóm dự án và các vấn đề mà các địa phương đang vướng mắc để UBND tỉnh sẽ giải quyết theo các chuyên đề. Trước ngày 15/9 các vấn đề phải được tổng hợp để trên bàn Chủ tịch UBND tỉnh để nghiên cứu, đưa ra thảo luận theo nhóm: Đầu tư công; liên quan đến bán đất, đấu giá đất; liên quan đến các dự án tạo thu cho tỉnh; các nhóm dự án của khối các doanh nghiệp đang tồn tại… để UBND tỉnh xem xét, có lộ trình giải quyết.

GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC TRONG QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN PHẢI TUÂN THỦ QUY HOẠCH QUỐC GIA

Liên quan đến Quy hoạch khoáng sản, không chỉ có TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm hiện có đến 40% diện tích vướng Quy hoạch khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng có một vấn đề là do chúng ta chưa hiểu rõ, chưa hiểu đúng bản chất của các khó khăn. Ví dụ, Bảo Lộc và Bảo Lâm đang vướng quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866. Thay vì dừng các dự án suốt từ đầu năm đến nay, nếu chúng ta nghiên cứu, tham mưu tìm cách tháo gỡ, thì vấn đề không trì trệ như hiện nay, không khiến Quy hoạch khoáng sản trở nên bức bối đến mức người dân đã làm giấy phép xây dựng nhà cửa rồi, mà khi họ đập nhà cũ đi để chuẩn bị xây thì vướng quy hoạch không xây được, thế thì người dân ở đâu? 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái, khẳng định: Thực tế, Quyết định 866 không tiêu cực như chúng ta nghĩ. Hiện nay đang có nhiều loại quy hoạch. Nhưng Quy hoạch đất đai là quy hoạch “mẹ” vì đây là quy hoạch quốc gia, Quy hoạch khoáng sản chỉ là quy hoạch ngành; khi Quy hoạch quốc gia và Quy hoạch ngành chồng chéo lên nhau phải tôn trọng Quy hoạch quốc gia. Ví dụ, nếu Quy hoạch quốc gia là đường giao thông, thì nó phải là đường giao thông. Nếu có vướng mắc do chồng chéo thì các sở, ngành ra quyết định phải tuân thủ Quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để có cách hiểu đúng, cách làm đúng…

Liên quan đến Quy hoạch 866, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái yêu cầu phải đối mặt với những vấn đề cụ thể và trực tiếp xử lý, không phải chỉ xử lý cho đường cao tốc mà phải xử lý một cách tổng thể cho các dự án đang vướng của Bảo Lộc, Bảo Lâm… Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quy hoạch 866 không phải cho riêng dự án cao tốc mà tổng hợp theo các nhóm liên quan đến dự án quốc gia, nhóm dự án liên quan đến dự án đầu tư, nhóm dự án dân sinh, và các nhóm dự án khác… Mỗi nhóm dự án đưa ra các vấn đề, những tồn tại, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quy hoạch 866 và các dự án đi kèm cụ thể để UBND tỉnh làm văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm cách tháo gỡ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu văn bản này cũng phải hoàn thiện trước ngày 15/9.