Việc bám sát và cụ thể hóa linh hoạt các nội dung Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới là cơ sở quan trọng để huyện Di Linh phát triển toàn diện và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước giảm nghèo vững chắc là giải pháp trọng tâm được huyện Di Linh thực hiện trong vùng đồng bào DTTS |
Di Linh là địa bàn có hơn 42% dân số là người đồng bào DTTS với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là bà còn DTTS gốc Tây Nguyên. Số người DTTS của địa phương hiện đang cao nhất toàn tỉnh với khoảng 70.000 người.
Trong các nhiệm vụ đặt ra, giảm nghèo luôn là vấn đề được huyện Di Linh chú trọng thực hiện hàng đầu. Theo đó, địa phương này đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các mô hình liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như sản xuất cà phê giống mới cho sản lượng cao, trồng bơ ghép, sầu riêng ghép, mắc ca... giúp bà con nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Để giúp bà con giảm nghèo nhanh và bền vững theo các đề án của Chính phủ, Di Linh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư giảm nghèo trực tiếp đến từng hộ nghèo. Đến nay đã giải ngân được trên 32,6 tỷ đồng, đạt 71,50% kế hoạch. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực này giảm dần qua từng năm. Nếu như năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Di Linh chiếm 59,6% thì đến cuối năm 2023 con số này đã giảm còn 41,6%.
Đồng chí K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Di Linh thông tin thêm về việc Huyện uỷ Di Linh đã ban hành Nghị quyết số 12 ngày 10/5/2022 về “Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng gắn với chăm lo, nâng cao đời sống người dân sinh sống gần rừng trên địa bàn huyện” nhằm thực hiện nhiệm vụ kép: Tạo thêm sinh kế cho bà con và nâng cao hiệu quả giữ rừng. Thống kê của UBND huyện Di Linh cho thấy, hiện có trên 2.000 hộ DTTS tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn thu từ công tác này đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho bà con. Đồng thời cũng hạn chế thấp nhất tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để sản xuất của bà con.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Di Linh đã chú trọng việc đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu vực. Trong đó ưu tiên các hạng mục như: đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh, dân sinh; xây dựng các công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt; các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ... để tạo nền tảng cho bà con vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Ngoài ra, huyện Di Linh cũng đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng làm nhà ở cho hộ nghèo người DTTS từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 1) đối với 5 xã: Đinh Trang Thượng, Gung Ré, Đinh Trang Hoà, Bảo Thuận và Tân Nghĩa. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho bà con. Huyện cũng đã được phê duyệt 1 điểm định canh, định cư tập trung cho bà con DTTS tại Khu dân cư R’Hàng Plồi, thôn Hàng Làng, xã Gung Ré với tổng diện tích 20 ha cho 87 hộ/435 nhân khẩu...
Xác định phát triển giáo dục là chiến lược nền tảng và lâu dài để phát triển vùng đồng bào DTTS, huyện Di Linh đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa có đông học sinh người đồng bào DTTS, các trường ở bậc học mầm non và tiểu học. Sau nhiều nỗ lực của địa phương, hiện nay tỉ lệ học sinh người DTTS ở bậc học mầm non và tiểu học ra lớp đã đạt 100%.
Huyện Di Linh cũng đã đầu tư 3 trường đạt chuẩn quốc gia gồm: Trường tiểu học xã Sơn Điền, Trường phổ thông dân tộc Bán trú Sơn Điền, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Gia Bắc. Địa phương cũng đã đảm bảo việc chi trả trợ cấp cho 2.695 học sinh, sinh viên DTTS với số tiền trên 5,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân nói chung, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS được đảm bảo.
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong vùng đồng bào DTTS cũng được huyện Di Linh triển khai linh động và phù hợp với tình hình mới. Điều đó góp phần xây dựng đời sống tinh thần phong phú và nếp sống văn minh trong đồng bào DTTS.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ đồng bào DTTS trong những năm qua cũng được địa phương thực hiện với nhiều kết quả ấn tượng. Đến cuối năm 2023, Di Linh có 276 công chức, viên chức là người DTTS (chiếm 12,7%). Công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS luôn được huyện quan tâm. Thống kê của Huyện uỷ Di Linh, 5 năm qua, địa phương đã phát triển 338 đảng viên, trong đó có 138 đảng viên là người đồng bào DTTS (chiếm 40,8%).
Hiện nay, Di Linh vẫn đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp và nguồn vốn ngân sách của địa phương để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bà con vùng đồng bào DTTS. Từng bước thu hẹp dần khoảng cách và sự chênh lệch về kinh tế, xã hội giữa các vùng trên địa bàn huyện, tạo sự phát triển đồng đều, hài hoà và bền vững trong toàn huyện...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin