Lâm Đồng với tiến trình “chuyển đổi xanh” (Bài 3)

XUÂN TRUNG 04:18, 18/09/2024

Bài 3: Ðột phá phát triển du lịch

Nếu như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của Lâm Đồng được đánh giá dẫn đầu cả nước, thì du lịch Lâm Đồng từng bước “định vị” là trung tâm du lịch trong bản đồ du lịch quốc gia và mang tầm quốc tế.

Du lịch trải nghiệm đang là lựa chọn của nhiều du khách khi đến với TP Đà Lạt. Ảnh: H.Thắm
Du lịch trải nghiệm đang là lựa chọn của nhiều du khách khi đến với TP Đà Lạt. Ảnh: H.Thắm

Để hiện thực hóa điều đó, Lâm Đồng luôn xác định việc khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường để mở rộng không gian du lịch theo quy hoạch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh và thật sự trở thành ngành kinh tế động lực nhằm thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Khi nói về du lịch, chúng ta hay ví von đó là “ngành công nghiệp không khói”. Hình ảnh đó gợi lên yếu tố ít phát thải cabon, hủy hoại môi trường tự nhiên; tuy nhiên trong quá trình phát triển du lịch, trên thực tế yếu tố bảo về môi trường thiên nhiên cũng được Lâm Đồng quan tâm, cân nhắc không kém các ngành, lĩnh vực khác khi tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thực hiện các dự án ở địa phương.

Bởi Lâm Đồng có tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú với những yếu tố đặc thù về địa hình, địa chất, khí hậu, hệ động thực vật đa dạng đã tạo ra nguồn tài nguyên thiên nhiên với nhiều hồ, thác nước, đồi núi, rừng thông ngoạn mục. Đặc biệt, có 2 vườn quốc gia: Cát Tiên và Bidoup - Núi Bà; Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam; TP Đà Lạt được mệnh danh là thành phố hoa, thành phố sáng tạo về âm nhạc được công nhận cách đây không lâu và đang hướng tới xây dựng "Thành phố Di sản của thế giới".

Lâm Đồng cũng là nơi hội tụ, sinh sống của 47 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc truyền thống với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc. Bên cạnh đó, Lâm Đồng hiện đang sở hữu 2 di sản thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” và di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên”; có 37 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh; có 32 làng nghề (21 làng nghề truyền thống, có 14 làng nghề gắn với du lịch).

Đạt được những kết quả nêu trên là cả quá trình phát triển tiếp nối dựa vào thiên nhiên, vừa khai thác, vừa bảo tồn các yếu tố mà thiên nhiên ban tặng một cách thông minh, hiệu quả gắn với phát huy, bảo tồn lịch sử văn hóa, di sản kiến trúc trên mảnh đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.

Do vậy, Lâm Đồng đã triển khai và thực hiện tốt  Kế hoạch hành động quốc gia về “tăng trưởng xanh” giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, Lâm Đồng đã tập trung xây dựng TP Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Du lịch Lâm Đồng đã và đang thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển loại hình du lịch xanh được xem là chìa khóa phát triển du lịch bền vững, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, du lịch xanh còn góp phần giữ gìn và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống bản địa.

Lâm Đồng với rất nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú; trong đó có nhiều mô hình du lịch sinh thái tiêu biểu như: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Điểm du lịch thác Đatanla, thác Đambri; Khu du lịch cấp tỉnh TTC World - Thung lũng Tình Yêu, Rừng Madagui; Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Điểm tham quan Lang Biang… Du lịch canh nông và du lịch cộng đồng đã được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển, hiện có 22 điểm du lịch canh nông đang hoạt động, hơn 750 đơn vị đã được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; các làng nghề đã thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa. Du lịch thể thao mạo hiểm hiện nay đã và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lâm Đồng, góp phần thu hút đông đảo du khách (đặc biệt là du khách quốc tế) đến tham quan trải nghiệm: Đu dây vượt thác, chèo thuyền kayak, đi bộ trong rừng, leo núi, leo vách đá, xe đạp địa hình, Zipline, chèo thuyền vượt ghềnh thác,… Bên cạnh đó, các loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo; du lịch Golf… với chất lượng ngày càng được nâng lên, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, Lâm Đồng có 3.068 cơ sở lưu trú với tổng số 43.647 phòng; trong đó, có 447 khách sạn từ 1 - 5 sao với tổng số 13.107 phòng (gồm 51 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 4.672 phòng); với 116 khu, điểm du lịch, điểm tham quan; 3 sân Golf; 79 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch.

Trong thời gian qua, du lịch Lâm Đồng đã từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%. Trong  năm 2023, tổng lượt khách đến Lâm Đồng ước đạt 8,65 triệu lượt, tăng 15,3% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 400 ngàn lượt, tăng 167% so với cùng kỳ và chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ước đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 12,8% so với cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch.

Với nỗ lực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững và có trách nhiệm gắn với chuyển đổi số; Lâm Đồng đã đạt được các giải thưởng như: Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4” cho TP Đà Lạt, đại diện duy nhất của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14 năm 2017; Giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN năm 2018” cho TP Đà Lạt. Một số doanh nghiệp du lịch cũng nhận được giải thưởng quốc tế quan trọng trong ngành Du lịch: Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Đà Lạt đạt Giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN 2012, Giải thưởng Tòa nhà năng lượng nhiệt đới ASEAN năm 2010; Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh Đất Xanh đạt danh hiệu khách sạn xanh ASEAN giai đoạn 2016 - 2018. Trong năm 2019, tỉnh Lâm Đồng có 2 doanh nghiệp du lịch được bình chọn và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2019: Khách sạn Dalat Palace được bình chọn là một trong 10 khách sạn 5 sao tốt nhất và khách sạn La Sapinette Đà Lạt nằm trong top 10 khách sạn 4 sao tốt nhất; năm 2020, khách sạn nghỉ dưỡng Terracotta đạt giải Khách sạn Xanh ASEAN lần thứ 7. Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm vừa được UNESCO vinh danh là “Khu du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương” năm 2023. Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2021 tại lĩnh vực “Thành phố du lịch thông minh” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin  Việt Nam (VINASA) tổ chức; giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 tại hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.

Để du lịch tiếp tục là ngành kinh tế động lực của tỉnh; phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững, Lâm Đồng xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong thời gian tới, Lâm Đồng tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, các công trình trọng điểm về du lịch (Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, hồ Prenn, núi Sa Pung,…) và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Phát triển du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao; xây dựng TP Đà Lạt xanh - sạch - đẹp và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, xây dựng “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” thành thương hiệu quốc tế.

Những kết quả đạt được cũng như lộ trình phát triển du lịch Lâm Đồng trong thời gian tới phần nào định hình rõ nét cho quá trình phát triển xanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch mà Lâm Đồng coi đó là khâu đột phá trong phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh.

(CÒN NỮA)