Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ 2 dự án cao tốc từ Tân Phú đến Liên Khương

NGUYỄN NGHĨA 05:07, 23/09/2024

Sau chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 2 tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Sơ đồ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Sơ đồ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Theo đó, Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương, yêu cầu tập trung vào 5 nhiệm vụ chính để hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh quá trình thẩm định dự án, đẩy nhanh tiến độ 2 Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

ĐOẠN TÂN PHÚ - BẢO LỘC

Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã có ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tỉnh Lâm Đồng sớm thống nhất và có ý kiến bằng văn bản khẳng định đối với nội dung như phương án đề xuất tại cuộc họp (không điều chỉnh tăng vốn Nhà nước tham gia dự án, không đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu) và việc điều chỉnh các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi không dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật PPP); khẩn trương gửi văn bản giải trình, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án gửi Hội đồng thẩm định liên ngành trước ngày 23 tháng 9 năm 2024 để tổ chức thẩm định; Hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định của Luật PPP trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.

Về huy động nguồn đầu tư, theo UBND tỉnh Lâm Đồng thì với phương án không điều chỉnh tăng vốn nhà nước tham gia dự án và không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm nên tính khả thi của dự án không cao và giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Qua đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc đối với quy định về vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét sửa đổi, điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án thống nhất với quy định pháp luật về PPP, đồng thời gửi Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 9 năm 2024.

Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh để đề xuất phương án giải quyết kịp thời, khả thi đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ (theo nguyên tắc thẩm quyền của Chính phủ đến đâu, xử lý ngay đến đó), bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017, số 78/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2023 và số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 đảm bảo phù hợp với Luật PPP để sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án theo phương thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.

Theo báo cáo của nhà đầu tư đề xuất dự án, hiện nay một số ngân hàng (VDB, TPBank) có cam kết cùng nhà đầu tư đề xuất dự án tham gia dự án. Trong bước sau, trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, nhà đầu tư được lựa chọn cần tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét, phối hợp cho vay hợp vốn đối với các dự án; trong đó các nhà đầu tư phải đóng vai trò chính và có biện pháp để nâng cao năng lực tài chính tham gia dự án, nhằm thu hút đầu tư tốt hơn cho các dự án.

Về việc kiến nghị điều chỉnh phân bổ vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho dự án để UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư: UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

• ĐOẠN BẢO LỘC - LIÊN KHƯƠNG

Dự án này thuộc thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh Lâm Đồng. Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án bảo đảm không quá 50% theo quy định của Luật PPP.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, việc triển khai đoạn các dự án thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cần bảo đảm đồng bộ, công bằng. Do vậy, cần nghiên cứu xem xét cơ chế, chính sách tương đồng giữa Dự án Bảo Lộc - Liên Khương và Dự án Tân Phú - Bảo Lộc để nâng cao hiệu quả, tính khả thi của các dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng và các nhà đầu tư đề xuất tích cực, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ để sớm khởi công dự án theo quy định pháp luật.

Trong quá trình triển khai thi công các công trình, cần có giải pháp, tính toán để cân đối tỷ lệ đào- đắp hoặc có phương án dự trữ đất đào, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn vật liệu.

Về vướng mắc liên quan đến phần diện tích của 2 dự án cao tốc chồng lấn với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể theo hướng lấy quy hoạch đất đai làm gốc, trong đó đã có đất dành cho công trình giao thông nên dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được ưu tiên làm trước; khoáng sản được đưa vào quy hoạch dự trữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.

Về kiến nghị của các nhà đầu tư áp dụng mô hình BIM, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm rà soát tổ chức hướng dẫn UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu để tạo được sự thông thoáng trong đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); quy định việc đầu tư các dự án PPP bảo đảm tính nhất quán, cam kết của phía Nhà nước (từ Trung ương đến địa phương) về việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án bằng vốn ngân sách nhà nước không ảnh hưởng xấu đến dự án PPP, chính sách về điều chỉnh giá, tăng giá…;

Về trạm dừng nghỉ đường bộ cao tốc, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xem xét trên cơ sở Luật Đường bộ và nội dung dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Đường bộ để có văn bản hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện thiết kế, đầu tư trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện, các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp nhiên liệu, bảo đảm đồng bộ; khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì đảm bảo phạm vi cả gói công việc bao gồm đầu tư xây dựng công trình giao thông và các công trình tiện ích kèm theo.

Với những chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, kỳ vọng rằng các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm được triển khai, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân và góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.