(LĐ online) - Ngày 26/9, tai TP Đà Lạt, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt”.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Tham dự có ông Bùi Thắng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; bà Hồ Thị Lan - Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng; ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng; bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt.
Đại biểu tham dự Tọa đàm |
Tham dự tại đầu cầu trực tuyến Hà Nội có ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Dương Thái Trung - chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phát biểu Đề dẫn tại buổi Tọa đàm |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Mới đây, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã vạch trần những chiêu trò “Hô biến khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt” của hàng loạt vựa rau, củ lớn ở Lâm Đồng. Điều đáng nói, câu chuyện này dù đã diễn ra nhiều năm trước đây, các cơ quan quản lý của địa phương cũng đã nhiều lần xử lý, cảnh báo, răn đe, nhưng vì lợi ích trước mắt, một bộ phận chủ vựa vẫn cứ làm bất chấp những hệ lụy xảy ra. “Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, nông sản Việt nói chung, đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo để thúc đẩy các giải pháp hữu hiệu cho câu chuyện bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt”, ông Hiển nói.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Lâm Đồng trình bày tham luận tại Tọa đàm |
Buổi Tọa đàm ghi nhận các tham luận “Hậu quả và ảnh hưởng tiêu cực của hành vi giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt- nhìn từ góc độ cơ quan quản lý, nông dân trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng; đề xuất các giải pháp, phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn những hành vi tiêu cực giúp thương hiệu nông sản Đà Lạt ngày càng phát triển” (Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Lâm Đồng); “Thực trạng xâm phạm thương hiệu và bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt hiện nay, một số giải pháp hoàn thiện quy định cũng như phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt trong thời gian tới.” (Phòng Kinh tế TP Đà Lạt).
Ông Trần Huy Đường - chủ nhân thương hiệu Langbiang Farm kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh hành vi giả mạo nông sản Đà Lạt |
Tai đầu cầu Hà Nội, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu lên các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với nông dân, doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu, làm cơ sở nhận diện nguồn gốc xuất xứ nông sản Viêt Nam nói chung, nông sản Lâm Đồng nói riêng, giúp người tiêu dùng tránh nhầm lẫn với hàng hóa nông sản giả mạo thương hiệu trên thị trường.
Về phía người sản xuất, ông Trần Huy Đường, chủ nhân thương hiệu Langbiang Farm Đà Lạt đề xuất cần xây dựng mã số vùng trồng, dán thêm nhãn hiệu hàng hóa về nơi sản xuất trên bao bì sản phẩm. Với các cơ quan chức năng cần kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi giả mạo nông sản..
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh 7 nhóm giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh 7 nhóm giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt tập trung trong thời gian tới là: tăng cường cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông sản; phát triển công nghệ sản xuất giống mới năng suất, chất lượng cao; nhận diện nông sản Lâm Đồng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo; đăng ký bảo hộ trí tuệ thương hiệu nông sản; mở rộng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin