(LĐ online) - Ngày 25/10, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, đơn vị đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức họp các hộ dân được giao khoán vườn cao su, tuyên truyền các quy định của dự án của Nhà nước triển khai trên địa bàn. Qua đó, chấm dứt tình trạng người dân cho người ngoài vào thuê vườn cao su tại dự án để khai thác mủ.
Giá mủ cao su đang bước vào giai đoạn ổn định, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đạ Tẻh khai thác rất hiệu quả với mức thu nhập đạt 110 triệu đồng/ha/năm. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, 30a và nguồn ngân sách của tỉnh, huyện, xã; huyện Đạ Tẻh đã đầu tư xây dựng nhiều chương trình nhằm phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đặc biệt, huyện Đạ Tẻh đã triển khai đầu tư, hỗ trợ dự án chương trình trồng cao su tập trung tại xã Mỹ Đức 65 ha, xã Quốc Oai 120 ha cho đồng bào DTTS.
Hiện nay, giá mủ cao su đang trở lại mức ổn định, người dân đang thu thu hoạch rất hiệu quả. Tuy nhiên, đang xảy ra tình trạng các hộ được hưởng lợi từ dự án lại cho người từ bên ngoài vào thuê lại vườn, dùng hóa chất kích mủ làm cây suy kiệt, có nguy cơ làm thất bại dự án này.
Các dự án trồng cao su tập trung cho đồng bào DTTS tại huyện Đạ Tẻh đang phát huy hiệu quả rõ rệt. |
Trước tình hình trên, ngày 11/9/2024, UBND xã Quốc Oai và Trung tâm Nông nghiệp huyện đi kiểm tra việc sản xuất cao su tập trung định kỳ, phát hiện những người thuê diện tích cao su tập trung để cạo mủ đã sử dụng hóa chất để kích cho mủ ra nhiều. Tiếp đó, đến ngày 13/9, UBND xã Quốc Oai đi kiểm tra, phát hiện tiếp tục xảy ra tình trạng sử dụng hóa chất kích mủ, nên đã yêu cầu dừng khai thác và lập biên bản ghi nhận sự việc.
“Việc đồng bào DTTS thuộc dự án cho người ngoài vào thuê vườn; đồng thời, sử dụng hóa chất kích mủ trong khi khai thác mà không có biện pháp chăm sóc phù hợp sẽ rất dễ dẫn đến vườn cao su bị suy kiệt. Mặt khác, sau khi khai thác kiểu tận thu từ 1 – 2 năm, người thuê sẽ trả lại vườn, sau đó các vườn cây rất dễ xảy ra hiện tượng vàng lá hàng loạt, có nguy cơ chết cây, điều này khiến người nông dân sẽ bị thiệt hại và mất đi nguồn lợi lâu dài”, ông Minh cho hay.
Để chấm dứt tình trạng trên, UBND huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo cho UBND xã Quốc Oai mời những người thuê vườn cao su của bà con lên làm việc, thông báo việc dùng hóa chất kích mủ để khai thác là sai quy định, nếu kéo dài sẽ làm chết cây. Yêu cầu những người thuê đất dừng ngay việc cạo mủ để cây hồi phục. Đồng thời, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cũng đã tổ chức họp các hộ dân được giao khoán vườn cao su, tuyên truyền các quy định của dự án và thông tin tình trạng cây cao su có thể bị chết do dùng hóa chất kích mủ, đề nghị bà con thông báo cho bên thuê dừng việc cạo mủ để cây phục hồi. Tất cả các hộ được giao khoán đều đồng tình với ý kiến của chính quyền địa phương…
Mặt khác, UBDN huyện Đạ Tẻh cũng đã thông tin rõ về dự án cho người dân. Theo đó, các dự án trồng cao su tập trung do UBND huyện xây dựng và được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt từ năm 2013. Dự án xây dựng trên đất lâm nghiệp, thực hiện mô hình giao khoán 50 năm các hộ dân là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Tuy nhiên, đây là dự án sử dụng đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý, nên chỉ có thể giao khoán vườn cao su chứ không thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin