(LĐ online) - Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, chương trình xoá nhà tạm… giúp cho nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo vươn lên kinh tế khá giả.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cuả Ban Bí thư về tín dụng chính sách |
Năm 2023, tổng sản phẩm trong nước - GRDP tăng 5,63%; quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 115.834,9 tỷ đồng; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5, 47%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,15%; khu vực dịch vụ tăng 5,79%. Cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37,87%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 18,68%; ngành dịch vụ chiếm 38,42%.GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng/người.
Một trong những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội nổi bật đó là: nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, phát triển toàn diện cả cây trồng, vật nuôi và rộng khắp các địa phương trong tỉnh; công nghiệp phát triển khá, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng, sản xuất 748.300 tấn Alumin, đóng góp ngân sách trên 400 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị công nghiệp và 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục chưa từng có, đặc biệt là cà phê và sầu riêng. Tổng lượt khách du lịch đạt 8,65 triệu lượt khách, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 15,3% so cùng kỳ; trong đó khách qua đăng ký lưu trú đạt 6,7 triệu lượt, đạt 103,1% kế hoạch, tăng 21,8%; tổng lượt khách quốc tế đạt 400 ngàn lượt, đạt 160% kế hoạch (kế hoạch 250 ngàn lượt khách), tăng 167%.
Các lĩnh vực về văn hoá- xã hội như: văn hoá, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, khoa học công nghệ có xu hướng phát triển tốt; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 78,37%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ 22,73%; tỷ lệ thất nghiệp 0,53%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,05%, tương ứng giảm 6.369 hộ, chiếm 3,16%.
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực luôn được quan tâm; công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt, là công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều giải pháp gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chương trình của Chính phủ và các chương trình an sinh xã hội của tỉnh. Những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và sự điều hành của UBND tỉnh; sự phối hợp chặc chẽ của các tổ chức chính trị xã hội; sự năng động của cộng đồng các doanh nghiệp và tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng ( NHCSXH).
Chung kết Hội thi Khởi nghiệp sáng tạo năm 2024 |
Có thể nói rằng, trong 10 năm qua NHCSXH tỉnh Lâm Đồng luôn bám sát cơ sở, phân công trách nhiệm rất cụ thể trong ban giám đốc, và tinh thần trách nhiệm của cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn; đặc biệt là chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện chính sách uỷ thác cho vay trên địa bàn tỉnh; do đó chương trình tín dụng của NHCSXH có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả cao không chỉ về quy mô, nguồn lực mà còn về chất lượng tín dụng chính sách; qua đó, thể hiện sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách và khẳng định được chính sách tín dụng xã hội mang đầy tính đặc thù, nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Tổng nguồn lực huy động để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 3.799 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của những đối tượng đặc thù của địa phương; trong 10 năm qua đã giúp cho 41.639 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 36.813 lao động; tạo điều kiện cho trên 49.441 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp cho 391 lao động đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 111.500 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn góp phần cải tạo môi trường sống; xây dựng 1.823 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,67% xuống còn 0,9% cuối năm 2021; giai đoạn 2022 - 2025 từ 2,87% xuống còn 1,09% vào cuối năm 2023); nâng tỷ lệ hộ dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh lên 86%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh 71,5%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh 69%. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đã góp phần giúp 109/111 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, 41 xã nông thôn mới nâng cao và 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Lâm Đồng trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải miềnTrung.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng (HLHPN); hiện có 12 Hội huyện, thành phố, 142 Hội cấp xã, với trên 170 ngàn hội viên, thuộc 47 dân tộc anh em; trong thời gian qua HLHPN tỉnh luôn chủ động thực hiện các phong trào khá đồng bộ, trong đó có chương trình uỷ thác cho vay do NHCSXH tỉnh Lâm Đồng thông qua HLHPN tỉnh Lâm Đồng là trong một những mô hình uỷ thác tín dụng chính sách xã hội mang lại hiệu quả cao. Đến 30/9/2024, tổng dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ quản lý là 2.199.665 triệu đồng, với 17 chương trình tín dụng chính sách cho 49.033 hộ vay (mức vay bình quân của 1 hộ đạt 46 triệu đồng), tăng 157.189 triệu đồng so với năm 2023, chiếm 36,2%/tổng dư nợ ủy thác.
Để đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng vốn đạt hiệu quả, các cấp hội cơ sở luôn gắn vốn vay của các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm cho hội viên. Vận động thành lập được 11 hợp tác xã có 177 thành viên, 53 tổ hợp tác có 796 thành viên về sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Thành lập và duy trì 23 mô hình phát triển kinh tế gia đình như: Trồng nấm mèo, nuôi bò sữa, nuôi bò sinh sản, nuôi gà đẻ trứng, trồng rau sạch, trồng atiso, trồng bơ, sầu riêng,...
Thực tế đã khẳng định, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã trở thành một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, chương trình xoá nhà tạm…. giúp cho nhiều hội viên thoát nghèo vươn lên kinh tế khá giả; góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó có mục tiêu nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, với tinh thần trách nhiệm cao của NHCSXH với các đối tượng nghèo, khó khăn và bình đẳng giới đã góp phần thể hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước luôn vì Nhân dân trong quá trình phát triển bền vững. Trong đó điển hình như các chị: Đoàn Thị Xuân (Thôn 8, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) vay vốn chương trình Hộ cận nghèo với số tiền 100 triệu đồng, mục đích vay vốn chăn nuôi 5 con bò sinh sản đến nay đàn bò đã tăng lên 10 con, từ nguồn vốn vay giúp hộ gia đình chị vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chị Kră Jăn K Goan (Thôn 2 xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương), chương trình Hỗ trợ tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm với số tiền 20 triệu đồng, mục đích vay vốn trồng trồng cây atiso diện tích 1,5 sào, từ nguồn vốn vay giúp cho chị có việc làm ổn định, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống…
Sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữ tỉnh Lâm Đồng |
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, khắc phục những hạn chế, để NHCSXH trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với HLHPN tỉnh Lâm Đồng đồng hành giúp nhiều hội viên thoát nghèo vươn lên kinh tế khá giả, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về chính sách tín dụng gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành giai đoạn 2022 -2025; cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thống nhất quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sát với từng địa phương.
Hai là, huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; trong đó, có nguồn vốn uỷ thác tín dụng của NHCSXH đối với HLHPN. Trong điều kiện của một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, bên cạnh các nguồn lực của ngân sách nhà nước, việc vận động, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường hỗ trợ cho công tác giảm nghèo để tạo nguồn lực giúp cho hội viên phát huy hiệu quả nguồn tín dụng trong sản xuất để hội viên thoát nghèo, từng bước vượt qua khó khăn vươn lên kinh tế khả giả.
Ba là, tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ của các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH; gắn trọng trách, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong quá trình vay vốn đầu tư sản xuất.
Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định đây là một nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Chỉ đạo các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và HLHPN nói riêng, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Năm là, NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác với HLHPN tỉnh và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác sẽ ngày càng nhiều có nhiều hội viên phát triển kinh tế khá giả.
Sáu là, NHCSXH tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, cử cán bộ tín dụng xuống cơ sở câp nhật thông tin các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng xoá nhà tạm có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội thì lập danh sách và thực hiện thủ tục cho vay thuận lợi nhất, để các hội viên có nguồn lực phong phú trong việc xoá nhà tạm, góp phần quan trong để tỉnh Lâm Đồng hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm đến năm 2025.
Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhiều chính sách giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội đã được triển khai đồng bộ, trong đó có chính sách uỷ thác cho vay tín dụng chinh sách xã hội, là chính sách sát thực tế, được hội viên phụ nữ tiếp cận, hưởng thụ và phát triển kinh tế ngày càng khá giả; góp phần kết quả xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành quả nổi bật của tỉnh Lâm Đồng so với nhiều tỉnh trong cụm thi đua khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, góp phần tích cực phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trong quá trình hội nhập.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin