Trong những ngày cuối tháng 10, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thượng không ngừng truyền tai nhau về câu chuyện hết sức cảm động của ông K’Nhung ở Thôn 4, xã Tân Thượng (Di Linh). Tuy điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng gần một tỷ đồng mua xe chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác thải đến bãi tập kết, góp phần làm cho đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, môi trường sống được trong lành hơn…
Ông K’Nhung (thứ 2 từ trái qua) trong ngày ra mắt xe ép rác chuyên dụng |
Tân Thượng là một trong những xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có tuyến Quốc lộ 28 đi qua, toàn xã có 1.349 hộ với 5.900 nhân khẩu. Theo bà Lê Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, những năm qua, vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ được Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo quyết liệt. Ước khối lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân trên địa bàn xã là 5 khối, trong khi xã nằm cách trung tâm thị trấn Di Linh 15 km, việc triển khai hợp đồng với Ban quản lý Dự án Công trình công cộng huyện Di Linh để thu gom rác là không khả thi, do quãng đường xa nên có hợp đồng thì chi phí cho mỗi hộ dân đóng phí thu gom rác hàng tháng là rất cao.
Trước thực trạng trên, năm 2015, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng lòng và được sự đồng thuận của Nhân dân, UBND xã đã vận động hộ ông K’Nhung là hộ nghèo của xã mạnh dạn đứng ra thu gom rác thải có tính phí hàng tháng cho các hộ dân trên địa bàn xã. Qua thời gian triển khai, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về cảnh quan môi trường trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, việc ông K’Nhung tiến hành thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng phương tiện xe máy cày đã không còn phù hợp, không bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông. Do đó UBND xã tiến hành làm việc, động viên hộ gia đình ông K’Nhung cần thực hiện việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác mới tiếp tục cho hợp đồng dài hạn.
Gắn bó với nghề thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã gần 10 năm qua, ông K’Nhung chia sẻ: “Hưởng ứng chủ trương của lãnh đạo xã về bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp cho địa phương và sử dụng phương tiện thu gom rác đúng quy định của pháp luật; thời gian qua, tôi đã vay vốn ngân hàng, họ hàng gần 900 triệu đồng để chuyển đổi phương tiện thu gom rác sinh hoạt từ xe máy cày sang xe ép rác chuyên dụng”.
Từ khi ông K’Nhung nhận thu gom rác thải sinh hoạt, môi trường trên địa bàn xã được đảm bảo, rác thải luôn được tập kết và chở đến nơi quy định, tình trạng xả rác bừa bãi, rác thải chất đống ở đường làng, ngõ xóm đã giảm đáng kể. Và Tân Thượng không còn là một trong những xã có điểm nóng về rác thải vệ sinh môi trường nhiều nhất của huyện. Từ việc làm của ông K’Nhung đầy ý nghĩa thiết thực, nhiều người dân trong xã đã ý thức được, tự giác thu gom và phân loại rác thải, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước đây.
Bà Lê Thị Thanh Nga nhận xét: “Với nỗ lực, sự táo bạo trong suy nghĩ, ý chí vươn lên thoát nghèo, ông K’Nhung đã mạnh dạn vay ngân hàng đầu tư xe thu gom rác thải đảm bảo quy định pháp luật. Có thể khẳng định ông K’Nhung là hộ tiên phong, đi đầu trong “dám nghĩ, dám làm”; đồng thời là hộ tư nhân đầu tiên trang bị xe thu gom rác thải chuyên dụng, đảm bảo tiêu chuẩn. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn hộ ông K’Nhung thực hiện đăng ký giấy phép kinh doanh để sớm đi vào hoạt động”.
Tấm gương của ông K’Nhung đã có sức lan tỏa và có tác động rất lớn đến nhiều người dân trong xã Tân Thượng nói riêng và huyện Di Linh nói chung không chỉ về tinh thần vượt khó thoát nghèo mà còn là gương sáng trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Hy vọng rằng câu chuyện về ông K’Nhung sẽ “truyền lửa”, tiếp tục lan tỏa để có nhiều hơn nữa những việc làm đầy ý nghĩa cho cuộc sống cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin