Theo báo cáo từ ngành Nông nghiệp, tốc độ tăng GRDP toàn ngành 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3,53% so với cùng kỳ năm 2023. Mức này cao hơn 0,33% mức tăng chung của cả nước nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm liên tiếp trước đó (từ năm 2021 tới 2023).
Tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm trước đó |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin trong cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương thì ngành trồng trọt chiếm cao nhất 74,7%, chăn nuôi 22,3% và dịch vụ 3%. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GRDP toàn ngành ước đạt 3,53%. Trong đó ngành trồng trọt tăng 4,71%, chăn nuôi giảm 0,003%, lâm nghiệp tăng 3,93% và thủy sản tăng 4,4%. Tốc độ tăng trưởng trên thấp 1,86% so với cùng kỳ năm 2023 (5,39%), thấp hơn 0,53% so với 9 tháng năm 2022 (4,06%) và thấp hơn 0,99% so với năm 2021 (4,52%).
Nguyên nhân chủ yếu theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là do mức tăng của lĩnh vực trồng trọt (chiếm 74,7% giá trị ngành Nông nghiệp) thấp hơn so với các năm. Trong đó, cây hằng năm (chiếm 76% giá trị ngành trồng trọt) tăng 3,7% nhưng thấp hơn 3,74% so với mức tăng 9 tháng năm 2023 và thấp hơn 3,16% so với mức tăng 9 tháng năm 2022.
Bên cạnh đó, diện tích chuyển đổi sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như cây ăn quả, mắc ca trong các năm vừa qua tăng nhanh. Tuy nhiên, phần lớn các diện tích chưa cho sản phẩm (diện tích cho sản phẩm của cây ăn quả hiện chiếm khoảng 63% diện tích gieo trồng; mắc ca 36 %).
Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi (chiếm 22% giá trị ngành Nông nghiệp) giảm 0,003%. Nguyên nhân, giá bán sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng) ở mức thấp, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao dẫn đến hiệu quả kinh tế của chăn nuôi còn thấp; các vấn đề về môi trường, dịch bệnh, quỹ đất thu hẹp đã ảnh hưởng đến hoạt động tái đầu tư sản xuất; tăng đàn của người dân.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoàng Sỹ Bích, trong tổng số 10 chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2024 thì tới hết tháng 9 đã cơ bản đạt tiến độ, trong đó 1 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu thành lâp hợp tác xã).
Cụ thể, các chỉ tiêu chính cơ bản đạt tiến độ, gồm: Diện tích gieo trồng đạt 388.621,4 ha (đạt 94,2% kế hoạch, tăng tăng 2,1% so với cùng kỳ); Diện tích nông nghiệp công nghệ cao đạt 68.857 ha, chiếm trên 21% diện tích canh tác, tăng 1.984 ha so với cuối năm 2023 (đạt 94,2% so với kế hoạch); Chuyển đổi, trồng mới được 12.473,1 ha cây trồng các loại (đạt 75,3% kế hoạch); tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 97,42%, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 38,95%. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 98,2%); thành lập mới 29 hợp tác xã (đạt 145% kế hoạch), nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh lên 454 hợp tác xã, trong đó có trên 35,5% hợp tác xã hoạt động xếp loại khá, tốt; so với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 27%; tổ chức trồng được 8,17 triệu cây xanh các loại (đạt 60,07% so với kế hoạch) duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 54,37%;...
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược "Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050"; Nghị quyết số 21, ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm những tháng còn lại trong năm 2014, như: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu năm 2024 của ngành, trọng tâm là công tác chỉ đạo phát triển sản xuất và triển khai các chương trình, đề án năm 2024. Thực hiện có hiệu quả đề án Tăng cường công tác, quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, và Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh.
Tiếp tục củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ các địa phương, chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đề nghị công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành Nông nghiệp năm 2024, đảm bảo tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt trên 95%;...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin