(LĐ online) - Trong 30 năm qua, kể từ khi thành lập huyện trên cơ sở chia tách từ thị Bảo Lộc vào năm 1994, ngành nông nghiệp huyện Bảo Lâm đã có những đổi thay đầy khởi sắc và tươi mới như chính cuộc sống của người dân nơi mảnh đất này.
Trong ký ức của những người gắn bó với mảnh đất Bảo Lâm từ đầu thập niên 90, vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của chè và cà phê mang trong mình rất nhiều khó khăn. Khi đó, nơi đây là vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, đói, mù chữ cao; quy mô và trình độ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, năng suất thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, thu ngân sách rất thấp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự nông thôn còn nhiều phức tạp.
Thế nhưng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân, đến nay, huyện Bảo Lâm đã phát triển khá toàn diện, trở thành 1 trong 4 "đầu tàu" phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, cùng với TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.
Cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân Bảo Lâm |
Từ Bình Định vào Bảo Lâm từ những ngày mới thành lập huyện, ông Đỗ Thu (ngụ tại Thôn 5, xã Lộc Quảng) còn nhớ những ngày đầu đến vùng đất mới lập nghiệp với bao nhiêu điều ngỡ ngàng và lạ lẫm với các loại cây công nghiệp như cà phê, chè, tiêu... Thế nhưng, sau một hành trình dài 30 năm cần cù, chịu khó lao động và không ngừng học hỏi kinh nghiệm thì đến nay ông Thu đã gặt hái được thành quả nhất định.
Trên diện tích hơn 3,5 ha trồng cà phê xen với hơn 3.500 trụ tiêu. Nhờ năng suất và giá cả ổn định trong những năm gần đây nên đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Thu. “Ở đây làm nông là tuyệt nhất”, ông Thu tự tin khẳng định.
Sự tự tin và tự hào ấy có được nhờ việc gần 30 năm gắn bó, chăm chút với từng gốc cây, loại quả. Qua từng năm, ông Thu đều nhận thấy sự đổi thay của vùng đất này, từ đất đai, cây trồng đến cuộc sống của con người. Đó là sự đổi thay đầy tích cực, minh chứng bằng những triền đồi xanh ngát, hoa trái trĩu cành, để rồi nếu lựa chọn lại, ông Thu vẫn quyết định như xưa - chọn vùng đất Bảo Lâm để lập nghiệp và xem đây như là quê hương thứ 2 của mình.
Cây chè và ngành sản xuất, chế biến trà đã phát triển tại vùng đất Bảo Lâm từ lâu đời |
Càng gắn bó với mảnh đất Bảo Lâm, Anh Lại Thế Cảnh - Giám đốc Công ty TNHH Gia Đạt Việt, lại càng hiểu và tự hào về vùng đất này. Anh Cảnh là đời thứ 3 trong một gia đình có truyền thống làm trà ở xứ B’Lao. Anh chia sẻ: Cha mình là người luôn đau đáu, trăn trở về những búp chè, về sự phát triển của ngành sản xuất, chế biến trà tại địa phương. Chính tâm huyết và lòng tự hào của cha dành cho loại cây trồng đã gắn bó lâu đời với mảnh đất này đã níu giữ anh và 3 anh em khác trong gia đình tiếp tục điều hành công ty, mở rộng nhà máy, đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm có chất lượng.
Hiện nay, ngoài trừ diện tích tự có thì Công ty còn liên kết với các hộ dân trong vùng để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến của nhà máy. Nhà máy hiện thu hút hơn 400 công nhân lao động, sản xuất trung bình 400 tấn trà khô mỗi năm để cung ứng cho thị trường trong nước và một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đài Loan và Trung Quốc.
“Chúng tôi hiện đang tập trung vào sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ chế biến để thành phẩm làm ra có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng. Từ truyền thống gia đình, chúng tôi tự hào và nỗ lực để mang đến những loại trà ngon nhất, đặc trưng nhất của vùng đất này”, anh Cảnh chia sẻ.
Cây tiêu được đánh giá là phù hợp và trồng nhiều tại huyện Bảo Lâm thời gian gần đây |
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng, người dân trong xã là cư dân từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước đến sinh sống lập nghiệp, nhưng phần lớn là bà con Quảng Nam chiếm khoảng 70%.
Từ chỗ công nghiệp, tiểu thủ công nghiêp và dịch vụ chưa có gì đáng kể, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn thì hiện nay, xã Lộc Quảng phát triển khá toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hộ nghèo chỉ còn 4 hộ, chiếm tỷ 0,34% dân số toàn xã, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66 triệu đồng/năm.
“Nhân dân xã Lộc Quảng vốn xuất thân từ những người lao động, có cùng cảnh ngộ xa quê kiếm sống, nên có tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống cần cù, chăm chỉ và sáng tạo trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng Lộc Quảng giàu đẹp như ngày hôm nay”, ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ.
Cũng như Lộc Quảng, các địa phương khác trên địa bàn huyện Bảo Lâm đều có những bước phát triển về nông nghiệp. Bởi lẽ, qua các thời kỳ, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đều xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương nên đã tập trung chuyển đổi giống cây trồng (chè, cà phê) theo đúng định hướng.
Trong những năm trở lại đây, phát triển nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình phấn đấu cho từng lĩnh vực cụ thể, từ đó đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Got Coffee (Bảo Lâm) được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm đưa ra so sánh, nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện có quy mô nhỏ lẻ, lạc hậu, sản lượng, chất lượng thấp theo hướng truyền thống là chính thì đến nay đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế gắn với chế biến, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Nhờ đó, nền nông nghiệp đã đạt được những kết quả vượt bậc, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế gắn với chế biến, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đang phát triển trở lại và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân |
Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng lên 152 triệu đồng, tăng 122 triệu đồng so với năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56,14 triệu đồng/năm, tăng 51,14 triệu đồng so với năm 2005.
“Có thể khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, tạo tiền đề vật chất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”, ông Tùng cho biết.
Với những thành quả đã đạt được trong hành trình 30 năm, cùng với chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ là nền tảng, là tiền đề mở ra cơ hội đột phá mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân huyện Bảo Lâm. Cùng với các chủ trương, chính sách lớn hỗ trợ cho sự phát triển, cán bộ và Nhân dân huyện Bảo Lâm quyết tâm đồng lòng, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin