Một khu dân cư nhỏ với cái tên độc đáo: làng Tày, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông đang trong những ngày sản xuất nhộn nhịp. Những người nông dân nơi đây đang duy trì một nghề truyền thống và đang chung sức xây dựng thương hiệu Bánh tráng làng Tày.
Bánh tráng làng Tày được phơi khô trong nhà kính |
Chị Triệu Thị Thoa, bà chủ thương hiệu Bánh tráng OCOP Quý Thoa chia sẻ, nghề làm bánh tráng của làng Tày bước sang năm thứ 10. Gọi là làng Tày bởi hầu hết bà con cư trú tại đây đều là người dân tộc Tày, tới từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Làng đã thành lập được gần 30 năm, với trên 100 hộ gia đình. Gọi làng Tày theo thói quen chứ tên chính thức của làng là thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng. Trước đây, bà con chuyên trồng cà phê, trồng rau để sinh sống. Bắt đầu từ năm 2015, làng Tày đã có một nghề mới: nghề làm bánh tráng.
“Bánh tráng làng Tày được truyền nghề từ một làng bánh tráng tại huyện Đức Trọng. Hồi đó là khoảng năm 2015, tôi học được nghề làm bánh tráng của bà con Đức Trọng và mang nghề về làng để làm”, chị Triệu Thị Thoa kể lại. Ban đầu, chị Thoa làm bánh tráng theo kiểu thủ công, xay bột, ngâm nước, tráng bánh trên nồi hấp bằng tay. Công đoạn sản xuất quá mệt, tốn công mà năng suất không cao, một ngày làm được vài trăm tấm bánh, chỉ đủ cung cấp nhỏ lẻ. Thấy quá vất vả, chị Triệu Thị Thoa tìm hiểu quy trình sản xuất bánh tráng bằng máy và quyết tâm đầu tư. Vậy là từ những cối bột xay tay, nồi hấp tay chậm chạp, gia đình chị đã chuyển sang sản xuất bánh tráng bằng máy. Sản xuất bánh tráng bằng máy rất nhanh, chỉ cần trộn bột theo đúng công thức, máy sẽ làm hết những phần còn lại, tráng ra những tấm bánh với độ dày, mỏng theo yêu cầu của người sản xuất.
Cũng do sản xuất bằng máy móc, năng suất bánh tráng của cơ sở Quý Thoa, cơ sở sản xuất bánh tráng do vợ chồng chị Thoa lập lên tăng nhanh chóng. Dần dần, chỉ từ cung cấp nhỏ lẻ, cơ sở Quý Thoa mở rộng thị trường, bán rộng rãi cho thị trường Đà Lạt và các địa phương khác. Và, nghề làm bánh tráng lan rộng khắp làng Tày. Gia đình chị Thoa sẵn sàng chia sẻ cho anh chị em trong làng về kĩ thuật làm bánh tráng, nơi mua máy móc cũng như giới thiệu đầu ra sản phẩm. Dần dần, nhiều hộ trong làng cũng mua máy, lập xưởng, học kĩ thuật làm bánh tráng để sản xuất ra những chiếc bánh bán khắp nơi. “Bánh tráng làng Tày chúng tôi, sản xuất bằng máy và được phơi trong nhà kính”, ông Anh Đức, chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng chia sẻ. Bánh được sản xuất ra, phơi lên các giá tre và được làm khô tự nhiên trong nhà kính. Với trời nắng, nhiệt độ cộng hưởng sẽ giúp bánh tráng khô trong vòng 2 tiếng. Nếu trời mưa kéo dài, bà con sẽ sấy bánh tráng trong lò sấy. Tuy nhiên, khách hàng tiêu dùng thường thích bánh tráng phơi khô tự nhiên trong nhà kính vì bánh tráng khô tự nhiên có mùi thơm đặc trưng của bột gạo, khi nướng ăn rất ngon.
Thị trường bánh tráng của làng Tày Đam Rông chủ yếu là TP Đà Lạt và những địa phương có nghề nướng bánh tráng mỡ hành, chị Triệu Thị Thoa cho biết. Bánh tráng làng Tày được làm phục vụ chủ yếu cho những quán bánh tráng nướng mỡ hành, món đặc sản của thành phố Hoa, được cả du khách lẫn người dân địa phương ưa chuộng. Bánh được tráng có hình tròn, độ dày vừa phải, được làm để phục vụ chuyên cho món bánh tráng nướng mỡ hành. Mỗi ngày, làng Tày sản xuất hàng tấn bột, gần trăm ngàn miếng bánh. Riêng cơ sở sản xuất Quý Thoa đã sản xuất tới 4 tạ bột, trên 25 ngàn bánh một ngày. “Muốn khách hàng ưa chuộng bánh tráng làng Tày thì chúng tôi phải đảm bảo chất lượng cho khách hàng, bánh dày vừa phải, không bị lỗ, không không bị xước. Chỉ có nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bánh tráng của chúng tôi mới giữ gìn được thị trường”, chị Triệu Thị Thoa khẳng định. Vì vậy, cơ sở Quý Thoa đã xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao, bước đầu gây dựng thương hiệu cho bánh tráng nơi đây.
Ông Trần Đình Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho biết, xây dựng thương hiệu “Bánh tráng làng Tày” đang là nhiệm vụ của xã cũng như huyện Đam Rông. Huyện Đam Rông đã đầu tư kinh phí để xã Phi Liêng cũng như bà con đang theo nghề làm bánh tráng xây dựng nhãn hiệu tập thể Bánh tráng làng Tày. Ông Thảo nhận xét, đây là cơ hội để nghề truyền thống làm bánh tráng của cư dân thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng vươn lên, xây dựng thương hiệu bánh tráng an toàn, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập ổn định cho người nông dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin