Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ kinh tế, bên cạnh sự phụ trợ của công nghiệp - tiểu thủ công và thương mại - dịch vụ, Bảo Lâm xác định rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cây dâu tằm đang là cây mang lại giá trị kinh tế cao tại Bảo Lâm |
30 năm trước - thời điểm huyện Bảo Lâm mới thành lập (1994) - chè và cà phê là 2 giống cây trồng chủ lực, quyết định tới hơn 90% cơ cấu giá trị kinh tế của Bảo Lâm. Tuy là 2 cây trồng chủ lực nhưng hầu hết các giống cà phê và chè được trồng ở đây đều là những giống cũ cho năng suất thấp. Sản lượng cà phê nhân của 1 ha cà phê chưa đến 1 tấn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (nhiệm kỳ 1996-2000), Huyện ủy Bảo Lâm đã xây dựng Nghị quyết tập trung chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Bảo Lâm, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất thâm canh, từng bước đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở đó, Bảo Lâm tập trung đẩy mạnh chuyển đổi 2 giống cây chè và cà phê (trồng mới và tái canh những diện tích cà phê giống cũ, trồng thay thế các diện tích chè năng suất thấp) bằng những giống cà phê mới như TR4, Thiện Trường và các giống chè chất lượng cao như chè cành TB14, chè Ô long..., kết hợp với việc trồng xen những giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ 034, mít Thái, măng cụt... Ngoài ra, Bảo Lâm còn chú trọng lựa chọn các giống gia súc, gia cầm có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như trình độ lao động tại địa phương để thúc đẩy phát triển chăn nuôi.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, địa phương hiện đã chuyển đổi được 35.330 ha/36.869 ha cà phê sang các giống cà phê mới, đạt trên 95%. Năng suất cà phê bình quân ở Bảo Lâm đạt khoảng 3,45 tấn nhân/ha. Bên cạnh đó, Bảo Lâm cũng đã chuyển đổi được 5.500 ha/5.888 ha chè sang các giống chè có năng suất, chất lượng cao, đạt 93%. Năng suất chè bình quân hiện đạt 140 tạ chè búp tươi/ha. Những năm gần đây, Bảo Lâm từng bước hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Lộc Đức (quy mô 300 ha), vùng sản xuất chè ở xã Lộc Quảng và thị trấn Lộc Thắng (quy mô 300 ha), vùng sản xuất chè tại xã Lộc Tân (quy mô 377 ha), vùng sản xuất cà phê của Công ty Bình Đông ở xã Lộc Ngãi (quy mô 100 ha)... Trong sản xuất nông nghiệp, Bảo Lâm hiện có hơn 16.050 ha/57.886 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đạt 27,8%. Cụ thể, 11.500 ha cà phê sản xuất an toàn, UTZ, 4C (tưới tiết kiệm 1.300 ha), 2.500 ha chè, 200 ha rau - hoa, 1.650 ha cây ăn quả sản xuất theo VietGAP và 200 ha cây dâu tằm... Bảo Lâm cũng đã xây dựng được18 chuỗi liên kết sản xuất (10 công ty, 7 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác). Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo Lâm có 30 sản phẩm OCOP được cấp thẩm quyền xếp hạng 3 sao trở lên (22 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, 8 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao) và 15 cơ sở trồng sầu riêng được cấp thẩm quyền cấp mã số vùng trồng, với tổng diện tích 783 ha, gồm 41,4 ha ở xã Lộc Đức, 125 ha ở xã Lộc Thành, 358,2 ở xã Tân Lạc, 59,7 ha ở xã Lộc Bảo, 178,8 ha ở xã Lộc Nam và 20 ha ở xã Lộc An. Tổng sản lượng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 28.000 tấn quả sầu riêng tươi. Đặc biệt, Bảo Lâm có 1 cơ sở trồng sầu riêng được cấp mã số đóng gói sầu riêng (Công ty TNHH SXTM Dịch vụ Long Thủy) xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, bên cạnh một số sản phẩm đặc thù khác đã có chỗ đứng trên thị trường như bơ 034, Got Coffee, trà Ô long Tam Dương, mắc ca... Thêm nữa, Bảo Lâm còn có 6.293 ha các loại cây trồng xen có giá trị kinh tế khác và 719 ha dâu tằm. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, sản lượng kén tằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm ước đạt 17.932 tấn/năm. Với giá kén tằm giao động từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg, việc trồng dâu, nuôi tằm đã góp phần giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể.
Trong giai đoạn hiện nay, Bảo Lâm xác định nhiệm vụ hàng đầu, cần thực hiện thường xuyên, liên tục sáng tạo và đổi mới đó là tổ chức thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là bước đi phù hợp với sự phát triển của đất nước và xu hướng của thế giới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin