Trong năm 2024, bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, Lâm Đồng đã đa dạng hóa các nguồn lực huy động tạo ra những bước chuyển tích cực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ngày càng nhiều hộ dân vùng nông thôn mới tăng thu nhập thông qua chuyển đổi cây trồng phù hợp... |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh trong năm 2024 đã huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gồm: gần 424 tỷ đồng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp của ngân sách; gần 100 tỷ đồng vốn huy động doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư; 11.750 tỷ đồng vốn tín dụng; gần 1.180 tỷ đồng vốn lồng ghép. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng với các nguồn vốn huy động triển khai quy hoạch 73 xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, phát huy hiệu quả cơ chế đầu tư trong các đề án phát triển đường giao thông nông thôn; phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo nhóm hộ; xã hội hóa, khuyến khích đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn; thi công và giám sát thi công đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình.
Ngoài ra các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tiếp tục ưu tiên đầu tư, nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới theo kế hoạch. Kết quả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định trong cả năm 2024 “toàn tỉnh Lâm Đồng đạt được những kết quả tích cực trong phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập đối với người dân nông thôn mới. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không ngừng mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ dân tăng thu nhập thông qua chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp và tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Thu nhập bình quân đầu người tại các vùng nông thôn mới cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh Lâm Đồng...”.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại các vùng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục đầu tư, phát triển cả quy mô và chất lượng. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh Lâm Đồng, các xã, huyện nông thôn mới huy động nhiều nguồn lực khác để mua sắm trang thiết bị dạy, học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt các Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hoá”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được triển khai thiết thực, hiệu quả. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng duy trì và phát triển, số người tham gia tập luyện thường xuyên tăng lên; 100% xã được công nhận, công nhận lại đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Toàn tỉnh Lâm Đồng còn có 16 đơn vị y tế tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế huyện, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Mạng lưới y tế cơ sở ưu tiên đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh; 100% xã nông thôn mới đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế…
Mục tiêu đến 2025, toàn tỉnh có 111 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 47 xã nông thôn mới nâng cao, 17 xã nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm lần lượt tỷ lệ 100%; hơn 42,3% và 15,3%. Trong 6 huyện, thành đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh Lâm Đồng có huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh. Kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2025 gần 367,5 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương và của tỉnh Lâm Đồng đầu tư công hơn 272,5 tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 95 tỷ đồng.
Để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách, toàn tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng hạng mục đường trục xã; trục thôn; nâng cấp đường ngõ xóm; cứng hóa các tuyến trục chính nội đồng; đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình thủy lợi trọng điểm; sửa chữa nâng cấp công trình trữ nước và tưới tiết kiệm nước; nạo vét kênh mương, kênh mương nội đồng; phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
“Trong năm 2025 trên cơ sở các danh mục dự án công trình phê duyệt, tạo cơ chế phù hợp cho UBND các huyện, thành phố chủ động phân bổ vốn cho những công trình cụ thể trên địa bàn. Đối với các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng cần tăng cường công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng. Bên cạnh đó, rà soát điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và không để nợ đọng xây dựng cơ bản…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin