Để chợ Đà Lạt văn minh và thân thiện

VIẾT TRỌNG  00:02, 26/11/2024

Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của siêu thị tiện lợi cùng hệ thống thương mại điện tử, chợ Đà Lạt - một ngôi chợ truyền thống đã có nhiều giải pháp để thu hút khách trong đó mục tiêu lớn là xây dựng một ngôi chợ truyền thống vừa văn minh vừa thân thiện. 

Các quầy kinh doanh đặc sản chợ Đà Lạt sắp xếp thu gọn việc trưng bày hàng để dành lối đi thông thoáng, đảm bảo an toàn PCCC
Các quầy kinh doanh đặc sản chợ Đà Lạt sắp xếp thu gọn việc trưng bày hàng để dành lối đi thông thoáng, đảm bảo an toàn PCCC

HÌNH THÀNH CHUẨN MỰC

Theo Ban Quản lý chợ Đà Lạt, toàn chợ hiện nay có trên 900 quầy kinh doanh với đủ các mặt hàng thiết yếu. Ông Nguyễn Minh Thiện - Trưởng Ban quản lý chợ Đà Lạt cho biết, trong xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay của siêu thị và hệ thống thương mại điện tử, một ngôi chợ truyền thống như chợ Đà Lạt buộc phải đổi mới và trong những năm gần đây, chợ đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận. 

Trước nhất, hầu hết các quầy sạp tại chợ đã được sắp xếp lại gọn gàng và ngăn nắp hơn, lối đi thông thoáng, giá cả được niêm yết công khai. Ban quản lý chợ đã cho nâng cấp, chỉnh trang làm đẹp Khu A của chợ, cả phần sân thượng và tầng lầu, sắp đến Khu B cũng được sửa sang lại. 

Cùng đó, trong nhiều năm nay, Ban Quản lý chợ đã tích cực vận động các hộ gia đình buôn bán tại chợ thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong kinh doanh, gắn với văn minh thương mại, từng bước hình thành các chuẩn mực văn hóa, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Đà Lạt. 

Cụ thể, Ban Quản lý chợ đã xây dựng mô hình phát huy phong cách người Đà Lạt tại 2 ngành hàng gồm ngành hàng đặc sản và ngành hàng hoa; cho triển khai ký cam kết thực hiện chỉ đạo của TP Đà Lạt về việc ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt cho toàn thể thương nhân tại chợ. 

Ban Quản lý cũng yêu cầu tất cả các quầy hàng kinh doanh tại đây ký cam kết thực hiện tốt các chỉ dẫn về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), an ninh trật tự, văn minh thương mại, rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, thực hiện nghĩa vụ thuế, các loại phí đối với nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động. “Chúng tôi vận động thương nhân tại chợ thực hiện mua bán đề cao chữ tín, chữ tâm, không nói thách, cư xử nhã nhặn với khách hàng, cạnh tranh lành mạnh bằng ưu thế của chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả hợp lý”, ông Thiện cho biết. 

Cũng theo ông Nguyễn Minh Thiện, đa số người dân địa phương đến chợ để mua thực phẩm tươi sống là chính, còn du khách thường ra đây chọn mua các hàng đặc sản Đà Lạt làm quà. Nếu thái độ phục vụ và chất lượng hàng hóa không tốt thì người ta không chỉ không trở lại mà còn có thể phản ánh lên cơ quan chức năng. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện, kịp thời nhân rộng các gương điển hình, cách làm hay của mọi người trong chợ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, ông Thiện nói thêm.

Thực tập các phương án PCCC tại chợ Đà Lạt
Thực tập các phương án PCCC tại chợ Đà Lạt
• ĐẢM BẢO AN TOÀN PCCC 

Một trong những điều quan tâm nhất của tất cả những người kinh doanh cũng như của Ban Quản lý chợ Đà Lạt chính là công tác đảm bảo an toàn PCCC. Theo ông Thiện, cho đến nay, Ban Quản lý chợ và các hộ kinh doanh tại đây đều tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn về an toàn PCCC. Chợ đến nay đã đầu tư hệ thống PCCC tự động bằng nước hiện đại tại Khu A trị giá trên 4 tỷ đồng và sắp đến hệ thống PCCC của Khu B cũng tiếp tục được đầu tư sửa chữa. 

“Cứ thứ Năm hằng tuần chúng tôi đều cho vận hành máy móc, trang thiết bị PCCC để kiểm tra. Còn hằng đêm khi các quầy sạp dọn hàng đóng cửa ra về thì các thành viên trong Ban Quản lý chợ đều đi một lượt để kiểm tra sự an toàn của các trang thiết bị điện lắp đặt trong chợ cũng như cho rải ống nước chữa cháy dọc theo các hành lang, các lối đi dọc theo các quầy trong chợ; hệ thống ống nước này nối với các cột nước chữa cháy tại chợ để đảm bảo trong trường hợp khẩn cấp mọi thứ đều sẵn sàng. Trong tháng 12/2024 sắp đến, toàn chợ sẽ thực tập công tác PCCC”, ông Thiện cho biết.

• CHỢ "KHÔNG TIỀN MẶT"

Để xây dựng chợ không dùng tiền mặt, lâu nay Ban Quản lý chợ phối hợp với VNPT Lâm Đồng vận động các hộ kinh doanh tại chợ đăng ký mô hình thanh toán điện tử. Chợ đã cho ra mắt Mô hình “Chợ 4.0” - thanh toán điện tử khi mua bán trong chợ, qua đó vận động trên 550 hộ kinh doanh kết nối ngân hàng trong thanh toán; tạo ví điện tử cho trên 326 hộ và giúp nhiều người buôn bán nhỏ mở tài khoản ngân hàng. 

Ban Quản lý chợ cũng vận động và duy trì 71 quầy kinh doanh uy tín, chất lượng được đăng lên trên trang thông tin điện tử thành phố (trang dalatcity.org); 10 hộ kinh doanh đặc sản thực hiện tem QR-Code; 28 quầy đặc sản thực hiện tem mã vạch truy xuất nguồn gốc. Cho đến nay, hầu hết các quầy sạp trong chợ đều thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt (886/916 quầy, chiếm 96,7%), trong đó có 326 quầy dùng phần mềm VNPT Money, 590 quầy thực hiện phần mềm Internet Banking qua các ngân hàng.

Trong tháng 4/2024, Ban Quản lý chợ đã triển khai phần mềm vận hành quản lý chợ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý. Phần mềm này được dùng để thống kê đối chiếu số liệu, giám sát các nguồn thu của chợ, minh bạch hóa các số liệu cho các hộ kinh doanh. Thông qua phần mềm, các hộ kinh doanh ở đây có thể tra cứu hóa đơn, biên lai điện tử, thanh toán không tiền mặt các khoản thuê mặt bằng kinh doanh... Theo Ban Quản lý chợ, tổng số tiền các hộ kinh doanh tại chợ hằng năm đóng thuế qua Chi cục Thuế TP Đà Lạt khoảng 18,6 tỷ đồng, còn tiền thu cho thuê kinh doanh quầy sạp toàn chợ khoảng 4,7 tỷ đồng/năm. 

Trong thời gian đến, theo ông Thiện, Ban Quản lý chợ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng TP Đà Lạt tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách” đến toàn thể những người buôn bán tại chợ; tăng cường kiểm tra nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn PCCC, an ninh trật tự, văn minh thương mại. 

Ban Quản lý chợ cũng sẽ hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống mạng không dây (Wifi) phát sóng toàn khu vực chợ Đà Lạt và khu vực chợ đêm Đà Lạt để thúc đẩy các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện thanh toán điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, sử dụng QR- Code, mã vạch truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hoàn thiện việc xây dựng “Chợ Đà Lạt - Chợ thương mại điện tử 4.0”.