(LĐ online) - Chiều 13/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã chủ trì buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… và các doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc |
NHIỀU MỎ KHOÁNG SẢN VƯỚNG VỀ PHÁP LÝ
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản và những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo đó, tính đến ngày 12/11/2024, trên địa bàn tỉnh đang có 88 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực; trong đó, 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 82 giấy phép do UBND tỉnh cấp.
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng báo cáo tại Hội nghị |
Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đến nay, trong tổng 82 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, có 37 giấy phép đang bị tạm dừng khai thác, tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động khai thác do có các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động; 6 giấy phép chưa đủ điều kiện để hoạt động khai thác (chủ yếu do chưa hoàn thiện hồ sơ về đất đai).
Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản trong những năm qua vẫn còn tồn tại một số bất cập. Vì thế, các cơ quan chức năng đang từng bước tìm ra những giải pháp tháo gỡ.
Hội nghị cũng đã nghe, phân tích một số khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản như: Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (mỏ đá Tây Đại Lào, TP Bảo Lộc) nêu vướng mắc và đề nghị chấp thuận cho Công ty được hoạt động khai thác trở lại theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 95/GP-UBND ngày 25/12/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng cấp trong phần diện tích 15,57 ha đã được cho thuê đất. Hỗ trợ Công ty trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2024 để thu hồi đất, do gặp nhiều khó khăn về giá đất và sự đồng thuận của người dân.
Công ty CP L.Q JoTon Lâm Đồng (TP Bảo Lộc) đề nghị giãn thời gian nộp thuế và thời gian nộp phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính do đơn vị bị đình chỉ hoạt động, hoá đơn bị cưỡng chế, tài khoản ngân hàng bị phong toả nên nhà máy sản xuất sản phẩm không bán được vì không có hoá đơn nên không có kinh phí nộp phạt, nộp thuế.
Công ty TNHH Dương Phát (huyện Đức Trọng) đề nghị xem xét, chấp thuận cho Công ty được phép giữ nguyên hiện trạng đất đối với phần diện tích đã bị xử phạt tại Quyết định số 127/QĐ-XPHC ngày 09/6/2023 của UBND huyện Đức Trọng và yêu cầu khắc phục lại hiện trạng ban đầu do Công ty phải đổ đất đá lên khu vực này với chiều cao khoảng 30 - 35m. Sau khi Công ty thực hiện xong thủ tục thuê đất thì lại khai thác tại khu vực này, dẫn đến không phù hợp, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp.
Đề nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận cho Công ty được phép lập hồ sơ thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất cho các đợt tiếp theo mà không phải điều chỉnh tiến độ đầu tư của dự án. Hướng dẫn Công ty trình tự, thủ tục, các điều kiện Nhà nước thu hồi đất để doanh nghiệp thực hiện đối với phần diện tích còn lại chưa thuê, chưa mục đích sử dụng đất của dự án.
Công ty TNHH Anh Kiên (TP Bảo Lộc), đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn và có văn bản về việc xác định chi phí chế biến được khấu trừ để xác định giá tính thuế tài nguyên trong hoạt động khai thác khoáng sản. Công ty chưa thực hiện được việc nộp hồ sơ xin thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Cho phép Công ty được tiếp tục khai thác khoáng sản trên phần diện tích mà Công ty đã có thủ tục thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Đề nghị sớm phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư dự án.
Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản trong những năm qua vẫn còn tồn tại một số bất cập |
SỚM THÁO GỠ CÁC “NÚT THẮT”
Theo sở Tài nguyên và Môi trường, các nội dung Sở đã thực hiện trong thời gian qua cụ thể như: Xác định giá khởi điểm, bước giá của từng điểm mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá, trình UBND tỉnh phê duyệt; lập dự toán kinh phí đảm bảo cho hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản và trình UBND tỉnh phê duyệt; xác định dự toán đề án thăm dò làm cơ sở xác định tiêu chí vốn chủ sở hữu trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng thời, đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 510/QĐ-STNMT ngày 07/9/2023; đã lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; đã thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; đã thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu; ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản được lựa chọn để lập hồ sơ mời đấu giá.
Công khai, lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp để điều hành phiên đấu giá; đã trình và UBND tỉnh đã thống nhất tỷ lệ tiền đặt trước của các mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản được lựa chọn để lập và đã nghiệm thu, xác nhận hồ sơ mời đấu giá.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ngày 17/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng (tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn) họp rà soát quy trình, hồ sơ, thủ tục tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ theo Quyết định số 1023/QĐ-UBND; trao đổi các khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện, giám sát việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các nội dung có liên quan để đảm bảo việc tổ chức cuộc đấu giá theo quy định (nhằm tránh 3 các trường hợp phát sinh như một số tỉnh triển khai đấu giá trong thời gian qua như thông tin báo chí phản ánh).
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ động liên hệ với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng (tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn) để chuyển giao hồ sơ đấu giá, ký kết Hợp đồng dịch vụ làm cơ sở triển khai thực hiện. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng đang dự thảo Hợp đồng.
Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là cơ sở quan trọng, tạo ra sân chơi minh bạch cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc dẫn đến tính không khả thi khi thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, có vướng mắc về thủ tục đất đai dẫn đến không có mặt bằng sạch để đấu giá; nếu tổ chức trúng đấu giá không thể triển khai đền bù thì khó khăn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản.
Theo điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, mà do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Trường hợp chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn tổ chức đấu giá thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khó giải quyết, nếu người trúng đấu giá không giải phóng được mặt bằng để thực hiện dự án khai thác. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trúng đấu giá.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Cụ thể, tại khoản 25, Điều 79 quy định Nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trong đó, có hoạt động khai thác khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, kể cả hạng mục công trình phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn với khu vực khai thác và hành lang bảo vệ an toàn cho việc khai thác mà phải thu hồi đất. Đây là chính sách tháo gỡ kịp thời nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động khai khoáng, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật để đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định các nội dung liên quan nhằm giảm thủ tục hành chính, thời gian thụ lý hồ sơ của các dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc kết luận buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc nhấn mạnh: Nhìn tổng thể, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn ở mức tăng trưởng khá, có sự đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, so với tiềm năng, xu hướng phát triển còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Với công tác đấu giá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở liên quan lựa chọn hình thức đấu giá đơn giản nhất, khoa học nhất và hiệu quả nhất. Với những dự án chậm tiến độ do vướng mắc thuê đất thì sớm gia hạn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, còn với các trường hợp vướng mắc do quy hoạch thì đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng rà soát tháo gỡ cho doanh nghiệp. Với những trường hợp cần điều chỉnh giấy phép, UBND tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để điều chỉnh theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, làm tốt công tác xây dựng chiến lược quản trị sản xuất của doanh nghiệp, quản trị mỏ; đổi mới công nghệ khai thác chế biến khoáng sản và chấp hành nộp thuế, phí đúng quy định.
Đối với các sở, ngành của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra từ khâu xây dựng mỏ, phương án khai thác, việc thực hiện các quy định của pháp luật; chính quyền địa phương cần đồng hành, chia sẻ, khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin