Bài 2: Khởi sắc nhờ nông thôn mới
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU của Đảng bộ huyện, đến nay, Đam Rông đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo; diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, đời sống Nhân dân được nâng cao.
Sầu riêng - loại cây trồng đang được người dân huyện Đam Rông phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU về xây dựng huyện Đam Rông đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2025, UBND huyện Đam Rông đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình cụ thể để thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, các ban, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với tinh thần, quyết tâm chính trị cao để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nói chung và nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, cho biết, đến nay, huyện đã tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hợp lý theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng các cây trồng chủ lực, gắn với tăng tỷ trọng chăn nuôi; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản; từng bước đưa nền nông nghiệp của huyện có điều kiện tiếp cận với các nền nông nghiệp tiên tiến, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện hoàn thành tiêu chí kinh tế trong Bộ tiêu chí Quốc gia huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện ước đạt 23.000 ha, tăng 2.106 ha so với đầu năm 2022; tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 18.600 tấn; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cuối năm 2024 ước đạt trên 170 triệu đồng/ha/năm, tăng 38 triệu đồng/ha/năm so với năm 2022. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2024 ước đạt 1.300 ha, giá trị sản xuất đạt trên 350 triệu đồng/ha. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển, chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng con giống và sản phẩm chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường với tổng diện tích 175 ha; trong đó, diện tích nuôi cá nước lạnh trên 14,3 ha.
Đặc biệt, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao toàn huyện tăng nhanh, đạt 1.099,3 ha (tăng thêm 949 ha, tương ứng tăng 6,3 lần so với năm 2020), chủ yếu là diện tích cây ăn quả. Toàn huyện có 35 ha đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 223,7 ha (tăng 163,7 ha, tương ứng tăng 2,7 lần so với cùng kỳ). Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển thêm 14 sản phẩm OCOP và đang có 18 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Đồng chí Nguyễn Văn Châu - Bí thư Huyện ủy Đam Rông chia sẻ, thời gian qua, huyện Đam Rông đã quan tâm chỉ đạo lồng ghép tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học, cơ sở vật chất khám, chữa bệnh phục vụ nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh của Nhân dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã, huyện NTM trên địa bàn; trong đó, có tiêu chí số 5 về y tế - văn hóa - giáo dục trong Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Mặt khác, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, hội thảo đầu bờ tại các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao để Nhân dân học tập và nhân rộng. Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chiêu sinh, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao tay nghề, kỹ năng sản xuất, tạo nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Tính đến ngày 31/7/2024, trên địa bàn huyện có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 2 xã so với cuối năm 2022); 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Đạ R’sal. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn huyện Đam Rông sẽ có 8/8 xã đạt chuẩn NTM. Các xã Phi Liêng và Đạ K’nàng đạt 18/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Đồng thời, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, đến nay huyện Đam Rông đã đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM với tổng số 29/36 chỉ tiêu huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025. Các tiêu chí chưa đạt gồm Giao thông (đạt 3/4 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 75%), Kinh tế (đạt 2/4 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 50%), Môi trường (đạt 4/8 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 50%).
Theo Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Châu, để xây dựng huyện Đam Rông đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025, trong thời gian đến, huyện sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 07-NQ/HU đã đề ra. Tập trung lồng ghép tốt các nguồn lực, khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng để khuyến khích, thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh giảm nghèo theo hướng bền vững gắn với xây dựng NTM.
Trong đó, trọng tâm là tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông nhằm thay đổi tư duy, cách nghĩ cách làm của nông hộ; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ chú trọng tăng năng suất, sản lượng nông sản sang làm kinh tế nông nghiệp theo tiêu chí hiệu quả và phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cho nông hộ, hợp tác xã gắn với mở rộng diện tích sản xuất VietGAP, GlobalGAP... Thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, rà soát, đẩy mạnh thực hiện cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói sản phẩm trên địa bàn huyện để nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin