Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, huyện Di Linh đang tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc, tăng cường giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tạo chuyển biến mới về cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Tăng tốc thi công đường vành đai phía Đông thị trấn Di Linh |
Ghi nhận tại Dự án Nâng cấp đường liên xã Đinh Trang Hòa đi Tân Lâm và đường vành đai phía Đông thị trấn Di Linh. Dự án có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng. Quy mô đầu tư dự án gồm 3 tuyến đường là nâng cấp đường liên xã Đinh Trang Hòa đi Tân Lâm; đường vành đai phía Đông thị trấn Di Linh và các tuyến đường bổ sung. Trên các công trình, các nhà thầu, đơn vị thi công các dự án trên địa bàn đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, chuẩn bị thảm nhựa mặt đường trước thời điểm kết thúc năm 2024.
Ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng (ĐTXD&CTCC) huyện Di Linh cho biết, năm 2024, đơn vị được UBND tỉnh và UBND huyện giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư 89 công trình, dự án. Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 350.516 triệu đồng. Tính đến ngày 25/11/2024, đơn vị đã giải ngân được 193.361 triệu đồng, đạt 55,2% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 50 tỷ đồng bố trí cho 1 công trình, đã giải ngân 14.630 triệu đồng, đạt 29,1% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách tỉnh là 126.768 triệu đồng bố trí cho 11 công trình, đã giải ngân 71.059/126.768 triệu đồng, đạt 58% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách huyện là 170.850 triệu đồng, đã giải ngân 107.773/170.850 triệu đồng, đạt 75% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Di Linh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra, công tác triển khai bước chuẩn bị đầu tư, bước thực hiện dự án còn chậm. Việc nghiệm thu thanh toán theo thời điểm còn chưa đạt 100% khối lượng thực hiện; một số công trình, dự án đầu tư chất lượng chưa cao dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư. Công tác nghiệm thu, quyết toán dự án hoàn thành còn chậm.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, mặc dù đối với dự án, công trình hoàn thành thì tỷ lệ giải ngân tương đối cao, nhưng vẫn không đạt 100% như kế hoạch chủ yếu là do một số chi phí thực tế không thực hiện, một số chi phí thực hiện thấp hơn dự toán và kế hoạch vốn. Đặc biệt, hiện nay một số dự án thuộc năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên bố trí đủ vốn đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (số vốn bố trí bằng tổng mức đầu tư được duyệt). Một số nguồn vốn đã được bố trí hiện nay chưa có nhu cầu sử dụng hết trong năm kế hoạch 2024 như: chi phí tiết kiệm trong đấu thầu; chi phí dự phòng phí của dự án; một phần chi phí giải phóng mặt bằng chưa sử dụng đến. Mặt khác, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tuyên truyền, vận động tốt Nhân dân hiến diện tích đất, vật kiến trúc và hoa màu nên tiết kiệm được nguồn vốn.
Ngoài ra, khó khăn hiện nay là một số dự án khi triển khai không có nguồn vật liệu đất để thực hiện đắp nền các dự án đang triển khai; không có bãi tập kết, bãi thải đủ tiêu chuẩn để quản lý, bảo vệ khối lượng đất, đá, dôi dư từ các dự án đang thực hiện. Tình hình giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép tăng đột biến, tình hình khan hiếm vật liệu (cát, đá, đất đắp...) cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình đã và đang triển khai thực hiện, nhất là đối với các hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói.
Bên cạnh đó, một số quy định về trình tự lập, thẩm định hồ sơ đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập, thay đổi dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án mới, các dự án thực hiện nhiệm vụ quy hoạch còn chậm; đặc biệt là trình tự, thủ tục lập hồ sơ thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian đến, đơn vị sẽ chủ động đề xuất lên Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan chuyên môn, địa phương để kịp thời giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm kịp thời giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đưa dự án vào khai thác để phát huy hiệu quả đầu tư là hết sức quan trọng và cần thiết.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong toàn bộ quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án. Phối hợp tốt với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chuyên môn, các địa phương để tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công. Vận động, tuyên truyền để Nhân dân đồng thuận với việc thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư. Quản lý chặt chẽ quy hoạch không để xảy ra tình trạng phát sinh, điều chỉnh hạng mục công trình, trồng cây, xây nhà trên diện tích đất đã được quy hoạch.
Xây dựng kế hoạch, các giải pháp thực hiện đối với từng dự án; xác định khối lượng, giải ngân hàng tuần, hàng tháng; lập cam kết giải ngân. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời tập trung xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, không để ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, bám sát tiến độ thi công và kiểm tra, xác định khối lượng hoàn thành, nghiệm thu để đẩy nhanh tiến độ thanh toán giải ngân vốn nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện cho các dự án thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra và đảm bảo chất lượng dự án. Đơn vị đặt quyết tâm đạt trên 90% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin