Hiệu quả từ các chương trình, dự án phi chính phủ 

VIẾT TRỌNG 00:03, 27/12/2024

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhiều chương trình, dự án phi chính phủ tại Lâm Đồng được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thực tế, hỗ trợ trực tiếp cho người dân nên đã phát huy hiệu quả tích cực.

Người trồng cà phê Di Linh tham gia tập huấn tại vườn trồng do Chương trình PPI Compact huyện Di Linh tổ chức
Người trồng cà phê Di Linh tham gia tập huấn tại vườn trồng do Chương trình PPI Compact huyện Di Linh tổ chức

HÀNG NGHÌN HỘ NÔNG DÂN ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Được triển khai trên địa bàn Di Linh - huyện có diện tích canh tác cà phê hàng đầu của Lâm Đồng hiện nay, Chương trình “PPI Compact huyện Di Linh” (Chương trình Sản xuất kết hợp Bảo tồn - An sinh xã hội huyện Di Linh) được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH của Hà Lan và Tập đoàn JDE chuyên thu mua cà phê tại châu Âu với sự hợp tác của UBND huyện Di Linh theo cơ chế công - tư. Theo công bố, để thực hiện chương trình, UBND huyện Di Linh đóng góp hơn 13,6 triệu Euro, lồng ghép từ Chương trình Nông thôn mới của huyện; tổ chức IDH đóng góp 935 ngàn Euro và nguồn cán bộ kỹ thuật (nguồn tài chính đầu tư qua 4 dự án, trong đó có 1 dự án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện); Tập đoàn JDE và các doanh nghiệp cà phê góp hơn 1,97 triệu Euro (các doanh nghiệp tự đầu tư thực hiện ở các cụm xã theo sự phân công của UBND huyện).

Mục tiêu của chương trình, như ông Bùi Đức Hào - Điều phối viên kỹ thuật Tổ chức IDH tại Di Linh cho biết, hướng đến việc hợp tác, huy động và lồng ghép các nguồn lực từ khối công và từ khối tư - chủ yếu là các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, nhằm tăng cường kiến thức và kỹ thuật cho nông dân trong việc canh tác và sản xuất có trách nhiệm thông qua các hoạt động như tái canh các vườn cà phê già cỗi, hạn chế sử dụng các nguồn nước ngầm như giếng khoan để tưới cà phê, sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp hợp lý, đa dạng hóa cây trồng; giảm chi phí, tăng thu nhập cho hộ dân.

Về phía Di Linh, huyện đã lồng ghép các chương trình phát triển nông thôn vào chương trình này như các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hợp phần này được triển khai độc lập. Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, ngoài nguồn vốn tài trợ của IDH và Tập đoàn JDE, các công ty đã đầu tư thêm kinh phí và nguồn nhân lực để thực hiện các chương trình cà phê chứng nhận như RA, 4C, Fair Trade và chương trình sản xuất cà phê có trách nhiệm.

Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Di Linh đã đồng hành với Tổ chức IDH, Tập đoàn JDE và 5 công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam bao gồm Công ty Intimex Mỹ Phước, Công ty Acom, Công ty LDC, Công ty Sucafina và Công ty Tuấn Lộc triển khai Chương trình PPI Compact trên 19 xã và thị trấn trong huyện.

Với 5 dự án thành phần, trong giai đoạn 2022 - 2025 chương trình sẽ tác động đến toàn bộ diện tích 45 ngàn ha cà phê trên địa bàn huyện thông qua việc hỗ trợ trực tiếp đến các nông hộ canh tác cà phê cho mục tiêu chung là tăng thu nhập cho nông dân. Chỉ tiêu đặt ra là tăng thu nhập lên mức 10%, cùng đó là góp phần bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có - duy trì và nâng cao chất lượng che phủ rừng; giảm lượng phát thải carbon trong canh tác cà phê (chỉ tiêu đặt ra giảm 30%).

Theo ông Hào, tính đến cuối tháng 12/2024, chương trình đã góp phần cùng huyện bảo vệ tốt 84 ngàn ha rừng, không để xảy ra tình trạng mất rừng; giảm 80% các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; tăng khoảng 1 ngàn ha diện tích nông, lâm kết hợp; tạo đa dạng sinh học trên vùng trồng cà phê thông qua các hình thức tăng cường cây che bóng, cây trồng xen từ 21% lên 37%; tăng 7% diện tích cà phê được tưới bằng nguồn nước mặt; giảm 20% lượng phát thải carbon trong sản xuất cà phê tại các vườn. Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật do chương trình tổ chức, đã có hàng nghìn hộ nông dân nơi đây tham gia, từng bước thay đổi nhận thức, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate; đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn của nhà thu mua cũng như hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ NGƯỜI DÂN

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn Lâm Đồng có 32 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) đăng ký hoạt động, trong đó có 20 tổ chức phối hợp trực tiếp với các đối tác địa phương; 2 tổ chức phối hợp với các đơn vị ở Trung ương; 10 tổ chức đã đăng ký nhưng chưa triển khai hoạt động cụ thể. Tính riêng trong năm 2024 vừa qua có 10 chương trình, dự án, phi dự án từ các cá nhân, tổ chức NGO được chấp thuận tiếp nhận tài trợ, với tổng vốn tài trợ khoảng 9,28 tỷ đồng (tương đương 386,7 ngàn USD). So với cùng kỳ năm 2023, số chương trình, dự án được phê duyệt không thay đổi nhưng số vốn cam kết viện trợ giảm đến 70% (Trong năm 2023 có 10 chương trình, dự án, phi dự án NGO được phê duyệt với tổng vốn cam kết tài trợ khoảng 31,67 tỷ đồng, tương đương trên 1,3 triệu USD).

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Lâm Đồng còn 22 chương trình - dự án - phi dự án NGO còn hiệu lực với tổng vốn cam kết tài trợ 2,9 triệu USD. Đối với những khoản viện trợ được phê duyệt trong năm 2024, số vốn đã giải ngân đạt 174 ngàn USD trong tổng số 386 ngàn USD, đạt tỷ lệ 78% so với cam kết. Còn nếu tính những khoản viện trợ còn hiệu lực trong năm 2024, số vốn NGO đã giải ngân đạt 1,5 triệu USD trong tổng số trên 1,6 triệu USD, đạt tỷ lệ 96,6% so với cam kết viện trợ năm 2024.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các dự án thực hiện từ các nguồn vốn của các tổ chức NGO trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố (chủ dự án) tạo điều kiện tốt để hoạt động, trong đó có việc cho phép các nhân viên của tổ chức NGO đến khảo sát địa điểm, phân loại, lựa chọn đúng đối tượng cần hỗ trợ trước khi triển khai thực hiện nên hầu hết các chương trình, dự án đều phát huy được hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, cũng như ngành chức năng tỉnh nhận xét, hiện có xu hướng chuyển tài trợ tài chính, cơ sở vật chất như trước đây sang hình thức hỗ trợ kỹ thuật. Các tổ chức NGO cũng muốn làm việc trực tiếp với các đối tác tư nhân; nhiều chương trình, dự án có đơn vị đối tác ở Trung ương triển khai rộng trong nhiều tỉnh, thành trong nước nên các đầu mối quản lý tại địa phương gặp ít nhiều khó khăn trong quá trình quản lý tài chính và nắm tình hình triển khai hoạt động thực tế.

Đối với các khoản viện trợ phi dự án nhỏ, lẻ, cơ quan tiếp nhận đôi khi còn gặp khó khăn và lúng túng trong việc đảm bảo áp dụng đúng các quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất, như đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, các chương trình, dự án, phi dự án NGO trên địa bàn tỉnh do được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thực tế, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thụ hưởng nên đã phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần nâng cao năng lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, được người dân phản hồi rất tích cực.

Như Chương trình PPI Compact huyện Di Linh chẳng hạn. “Hiệu quả thấy rõ. Tiến độ chúng tôi đang thực hiện rất tốt, đạt 70% cho giai đoạn 2021-2025. Chương trình mang lại tác động trên toàn huyện, ngày càng nhiều công ty quốc tế muốn tham gia chương trình; huyện với nguồn vốn công nay có thêm nguồn lực từ tư nhân để cùng phát triển địa phương, người dân được hưởng lợi vì phát triển cà phê một cách bền vững”, ông Bùi Đức Hào nói.