Khát vọng đưa hoa Đà Lạt vươn tầm khu vực và quốc tế

DIỄM THƯƠNG 08:24, 31/12/2024

Với mục tiêu chung phát triển hoa thành ngành hàng sản xuất hàng hóa thương mại giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị hội nhập khu vực và quốc tế, Lâm Đồng đang xây dựng Chiến lược phát triển bền vững ngành hoa giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2050.

Sản xuất hoa Đà Lạt ngày càng được cải tiến với nhiều hình thức
Sản xuất hoa Đà Lạt ngày càng được cải tiến với nhiều hình thức

KỲ VỌNG SẢN LƯỢNG TRÊN 5 TỶ CÀNH MỖI NĂM

Sản xuất hoa là một trong các ngành hàng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng và tạo sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh với các vùng sản xuất khác trong nước. Sản xuất hoa thúc đẩy và hỗ trợ ngành Du lịch, du lịch nông nghiệp để quảng bá, phát triển các sản phẩm thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến các thị trường quốc tế và khu vực.

Chiến lược phát triển bền vững ngành hoa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2050 với định hướng hình thành hệ thống logistics phù hợp và hiệu quả đáp ứng thị trường cung - cầu trong và ngoài nước, tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững tạo động lực cho người sản xuất, kinh doanh hoa đầu tư công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vận hành chuỗi giá trị ngành hoa hội nhập quốc tế ứng phó linh hoạt với các biến động về khí hậu, dịch bệnh.

Tiếp cận nhanh thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nước để nâng cao sức cạnh tranh của ngành hoa. Phát triển ngành hoa gắn với cảnh quan, du lịch và bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng phát triển của các huyện, thành phố. Tiếp tục tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, kêu gọi các doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện các dự án chiến lược để phát triển bền vững ngành hoa Lâm Đồng thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Phát triển hoa thành ngành hàng sản xuất hàng hóa thương mại giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị hội nhập khu vực, quốc tế. Hình thành Trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hoa gắn với việc phát triển các sản phẩm thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, mở rộng quy mô vùng sản xuất hoa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất để đến năm 2030 sản lượng hoa toàn tỉnh đạt 5,4 tỷ cành và 0,5 tỷ chậu hoa các loại; giá trị sản xuất ngành hoa đạt trên 15.000 tỷ đồng; giá trị thu hoạch bình quân đạt trên 3,7 tỷ đồng/ha; kim ngạch xuất khẩu hoa đạt trên 217 triệu USD. Có ít nhất 5 vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao được công nhận với quy mô trên 2.500 ha; hình thành cụm công nghiệp sản xuất giống nuôi cấy mô mang tầm khu vực với sản lượng trên 120 triệu cây giống invitro/năm; trong đó hàng năm xuất khẩu khoảng 75 triệu cây giống invitro.

Đưa vào hoạt động Trung tâm Giao dịch hoa tại TP Đà Lạt và xây dựng thêm 1 - 2 trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại cho ngành hoa gắn kết hợp lý với định hướng vùng sản xuất, quy hoạch giao thông vận tải. Phấn đấu có trên 70% sản lượng hoa toàn tỉnh được thu mua, tiêu thụ qua Trung tâm Giao dịch hoa và các trung tâm logistics khác. Đa dạng hóa sản phẩm sau thu hoạch thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ướp hoa khô, hoa tươi với sản lượng trên 1 triệu sản phẩm/năm và trên 100 loại sản phẩm nước hoa từ nguyên liệu các loại hoa của tỉnh nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu hoa Đà Lạt - Lâm Đồng.

Định hướng đến 2050, ngành hoa trở thành một chuỗi giá trị ngành hàng bền vững mang tầm quốc tế, cơ bản toàn bộ sản lượng hoa được tiêu thụ qua các trung tâm logistics hiện đại; trên 50% sản lượng hoa được xuất khẩu. Hình thành trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Đông Nam Á; nâng tầm thương hiệu hoa thuộc nhóm đầu châu Á.

CƠ CẤU LẠI SẢN XUẤT HOA THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI HÓA

Tỉnh Lâm Đồng xây dựng chiến lược cơ cấu lại và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng bền vững, phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, khu vực và năng lực sản xuất của người dân, doanh nghiệp; đồng thời bố trí sử dụng hợp lý công nghệ nhà kính đảm bảo cảnh quan đô thị, nông thôn hướng đến hình thành các mô hình điểm về làng hoa xanh.

Đến năm 2030, diện tích canh tác hoa khoảng 3.900 - 4.000 ha (diện tích gieo trồng đạt 11.500-12.000 ha), sản lượng khoảng 5,4 tỷ cành và 0,5 tỷ chậu hoa các loại. Hiện đại hóa khâu sản xuất hoa thông qua nhập nội và sử dụng giống mới đạt trên 3.000 ha gieo trồng hàng năm (26% tổng diện tích canh tác hoa); tỷ lệ diện tích hoa từ các giống mới có bản quyền đạt 35-40% phù hợp với các quy định để phát triển thị trường xuất khẩu.

Phát triển sản xuất đối với các loại hoa cắt cành truyền thống (hoa cúc, hoa hồng) tại các làng hoa (Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên, Xuân Thành, Đa Thiện), mở rộng quy mô sản xuất tại xã Đa Sar, thị trấn Lạc Dương huyện Lạc Dương; chú trọng phát triển trang trại sản xuất hoa của các doanh nghiệp như: Công ty Dalat Hasfarm tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.... Tổng diện tích gieo trồng hoa cúc toàn tỉnh đạt 2.916 ha, sản lượng 1,32 tỷ cành; hoa hồng 1.560 ha, sản lượng 466 triệu cành.

Phát triển vùng sản xuất hoa lay ơn canh tác ngoài trời tại huyện Đức Trọng (xã Định An, Hiệp An), mở rộng sản xuất ở các địa phương Lạc Dương và Đơn Dương. Diện tích sản xuất 1.174 ha, sản lượng 277 triệu cành (tăng 25% diện tích và 35,5% về sản lượng so với năm 2023).

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì sản xuất các loại hoa truyền thống đã có thương hiệu, thị trường ổn định như cúc, hồng, lay ơn... tập trung mở rộng quy mô sản xuất các loại hoa cao cấp như loa kèn, thược dược, oải hương,... tại khu vực các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương gắn với việc phát triển các doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp công nghệ cao; diện tích gieo trồng các loại hoa cao cấp đạt khoảng 1.500 ha, tăng 60% so với năm 2023. Phát triển sản xuất đối với các loại hoa cắt cành, hoa lan, hoa chậu, cây trang trí ở một số huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc.

Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất hoa cắt cành sang trồng hoa chậu và các loại hoa trang trí khác, ưu tiên phát triển các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như lan hồ điệp, lan vũ nữ, thu hải đường,... phục vụ nhu cầu thị trường trong nước. Diện tích gieo trồng hoa chậu đạt 1.774 ha, sản lượng đạt trên 500 triệu chậu (tăng 17,5% về diện tích và sản lượng hoa chậu so với năm 2023).

Đẩy mạnh hoạt động nuôi cấy mô sản xuất giống; trước mắt tiếp tục sản xuất cung ứng cho nhu cầu trong nước và gia công xuất khẩu; từng bước tự chủ về bản quyền giống để sản xuất, xuất khẩu giống hoa mang thương hiệu riêng, hình thành cụm công nghiệp sản xuất giống nuôi cấy mô hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất trên 120 triệu cây giống, đảm bảo phục vụ sản xuất hoa của tỉnh hàng năm từ 3.500 - 4.000 ha canh tác; xuất khẩu đạt 75 triệu cây giống mô gia công sang các quốc gia Hà Lan, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Australia, Nhật Bản, Thái Lan…

Đồng thời, hiện đại hóa sản xuất hoa nâng cao mặt bằng chất lượng vật tư, thiết bị, công nghệ đảm bảo điều kiện hiện đại hóa sản xuất ngành hoa Lâm Đồng tương đương với các nước phát triển. Thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất và quy trình canh tác hoa phù hợp với sự biến đổi của khí hậu và hội nhập quốc tế...

Tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra 6 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp tuyên truyền; Giải pháp quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách; Giải pháp khoa học - công nghệ; Giải pháp về vốn, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế; Giải pháp về thị trường; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.

Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, hiện nay tỉnh Lâm Đồng vẫn đang tổ chức lấy các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... để cùng xây dựng chiến lược vững chắc, hoàn thiện phát triển ngành hoa bền vững, có định hướng. Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, hoa Đà Lạt còn là sứ giả văn hóa, tài nguyên du lịch, nguyên liệu cho ẩm thực, thời trang, dược phẩm, là nhân tố cốt lõi tạo nên danh tiếng và sức hấp dẫn cho TP Đà Lạt.