Lâm Đồng đảm bảo nguồn cung các mặt hàng nông sản vào thị trường TP Hồ Chí Minh phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

LINH ĐAN 12:31, 20/12/2024

(LĐ online) - Sáng 20/12, tại Đà Lạt, Sở Công thương Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc để trao đổi về tình hình hoạt động cung ứng các mặt hàng nông sản Lâm Đồng vào thị trường TP Hồ Chí Minh phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, đồng thời thống nhất công tác phối hợp để đảm bảo lưu thông hàng hoá phục vụ Tết.

Doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại TP Hồ Chí Minh năm 2024

Tham dự buổi làm việc có bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng; ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Hiệp hội hoa Đà Lạt, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa và nông sản (rau, củ quả) cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Cao Thị Thanh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 153 doanh nghiệp biến rau, quả (7 doanh nghiệp nước ngoài và 146 doanh nghiệp, cơ sở trong nước), mỗi năm đưa vào chế biến được khoảng 62.845 tấn thành phẩm tương đương hơn 769.047 tấn nguyên liệu; 1.012 cơ sở thu gom sơ chế rau, quả (khoảng 15% số cơ sở có quy mô sơ chế trên 1.000 tấn/năm), tổng lượng rau các loại qua sơ chế đạt trên 1,6 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ chính là trong nước với tỷ lệ khoảng 90%; còn lại xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng sản lượng.

Với sản lượng trên, mỗi ngày, Lâm Đồng có năng lực cung ứng rau, củ ra thị trường bình quân khoảng 6 ngàn tấn, với các chủng loại: rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả. Trong đó, lượng rau tiêu thụ nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 7%; sản lượng rau phục vụ chế biến, xuất khẩu chiếm 14%; còn lại 79% tiêu thụ ngoài tỉnh, tương ứng 4.740 tấn/ngày. Trong đó tập trung các tỉnh Đông Nam bộ 60-63% (đến thị trường TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 55%); miền Tây 12-15%; các tỉnh Miền Trung 12-15% và Hà Nội 7-10%.

Các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng được trưng bày tại Hội chợ Thương mại TP.Hồ Chí Minh năm 2024.
Các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng được trưng bày tại Hội chợ Thương mại TP Hồ Chí Minh năm 2024

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực Đông Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Trung Quốc. Các loại rau xuất khẩu chủ yếu là xà lách các loại và các rau ăn lá khác cùng ớt chuông,đậu, khoai tây, cà rốt…

Về hoa, hiện nay, Đà Lạt có khoảng 10.879 ha sản xuất với sản lượng 4,4 tỉ cành. Có trên 400 loài hoa với hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt hay xuất xứ từ châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan…), châu Âu (Pháp, Hà Lan), châu Mỹ, châu Phi, châu Úc ...

Toàn tỉnh có 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây hoa với năng lực sản xuất 564.400 ngàn cây giống/năm. Giống hoa chủ yếu tự nhân giống bằng cách tự để giống (hoa cúc, hồng, lay ơn,…); hầu hết các giống hoa trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu như lily, cát tường, thu hải đường,… với lượng nhập khẩu hàng năm từ 73-76 triệu củ, cây, ngọn, cành, hạt giống. Trong thời gian vừa qua, nhân giống cây hoa công nghệ nuôi cấy mô được tỉnh Lâm Đồng chú trọng phát triển. Toàn tỉnh có 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật với 636 tủ cấy, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 73,32 triệu cây giống cấy mô các loại như hoa cúc, sa lem, cây trang trí,… đây là nguồn giống ban đầu giúp cho các vườn ươm tiếp tục nhân giống phục vụ cho sản xuất.

Hoa Đà Lạt chủ yếu cung cấp ở thị trường nội địa với 89% các sản phẩm được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống, chợ đầu mối, tiểu thương và các shop hoa tươi. Trong khi đó, xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ 11%.

Ở thời điểm hiện tại, việc cung ứng các sản phẩm rau, hoa về thị trường TP Hồ Chí Minh trong thời điểm trước Tết Nguyên đán đang gặp một số khó khăn về phương tiện vận chuyển. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tuyến xe khách của nhà xe Thành Bưởi tạm dừng hoạt động, số lượng xe vận chuyển giảm, nên một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm đơn vị vận chuyển hoa xuống TP Hồ Chí Minh, bởi nhà xe Thành Bưởi có số lượng xe vận chuyển nhiều nên thời gian đảm bảo hơn, giá thành cạnh tranh; dịch vụ vận chuyển hàng hoá được đánh giá tốt hơn một số nhà xe khác.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Lâm Đồng cũng cho rằng: Vào dịp Tết Nguyên đán, một số tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh cấm các xe tải vận chuyển hàng hoá lưu thông, các đơn vị vận chuyển phải tìm các tuyến đường khác xa hơn, hay bị kẹt xe để chuyển hàng hoá tới. Với đặc thù đa phần hàng hoá của tỉnh Lâm Đồng là hoa tươi và hàng nông sản như rau, củ quả và do ảnh hưởng của thời tiết tại TP Hồ Chí Minh nên dễ bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng còn gặp khó khăn trong quá trình thanh toán công nợ.

Các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng được trưng bày tại Hội chợ Thương mại TP Hồ Chí Minh năm 2024
Các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng được trưng bày tại Hội chợ Thương mại TP Hồ Chí Minh năm 2024

Về phía ngành Công thương Lâm Đồng, bà Cao Thị Thanh cho biết sẽ có những văn bản hướng dẫn và điều hành các hoạt động liên quan đến các tổ chức, cá nhân nhằm giúp đảm bảo nguồn cung cho thị trường TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ... đồng thời không để xảy ra tình trạng gom hàng ép giá, tạo nên sự bất ổn trong thị trường ở mùa cao điểm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cam đoan với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, nông sản (rau, củ quả) và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngành Công thương Lâm Đồng sẽ đề xuất và tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh để ban hành các quyết định phù hơp với tình hình thực tế nhăm giúp cho nguồn cung ứng rau hoa của Lâm Đồng về thị trường thanh phố diễn ra một cách thuận lợi, nhanh chóng, an toàn và bình đẳng nhất.