Tasabee - đưa mật ngọt vượt đại dương

DIỆP QUỲNH 06:19, 04/12/2024

Một người con của đất cao nguyên B’Lao, sau những năm bôn ba trong nghề nuôi ong, thu hoạch mật ong đã quay trở lại định cư ở quê gốc. Với mong muốn đưa mật Lâm Đồng vượt đại dương, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tasabee chuyên về mật ong bắt đầu hành trình mới trên cao nguyên.

Mật ong được đóng phi và cân bằng hệ thống cân tự động
Mật ong được đóng phi và cân bằng hệ thống cân tự động

HÀNH TRÌNH DÀI VỚI MẬT

Chị Võ Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH, doanh nghiệp chuyên thu mua, sản xuất và xuất khẩu mật ong Tasabee, đóng chân trên địa bàn Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc tâm sự, Tasabee đã có trên 20 năm hoạt động trong nghề làm mật và xuất khẩu mật ong. Chị bảo, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có sản lượng mật ong lớn trên thế giới. Nguồn mật Việt rất dồi dào, từ các loại mật hoa phổ biến như hoa cà phê, hoa nhãn, hoa vải... cho tới mật lá và nhiều loại mật đặc sản khác. Với thế giới, mật ong Việt Nam cũng là một thương hiệu được ưa chuộng.

Trước đó, Tasabee đặt nhà máy tại Bình Phước, nơi cũng khá thuận lợi cho nghề nuôi ong và tiện vận chuyển tới cảng biển, nơi mật ong theo tàu vượt đại dương. Tuy nhiên, năm 2024, Tasabee đã chuyển về đóng chân, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Lộc Sơn. Chị Ánh Tuyết tâm sự: “Quê của cả hai vợ chồng mình đều là đất Bảo Lộc, vì vậy dù nhiều năm làm nghề ong tại miền Đông Nam Bộ nhưng cả hai vợ chồng đều mong muốn được về gắn bó với ngành ong Lâm Đồng. Lâm Đồng cũng là vùng ong nổi tiếng, nơi có đội ngũ bà con nuôi ong rất đông đảo, mật cà phê cũng như nhiều mật khác rất tốt. Tuy vậy, mức đầu tư khá cao, năm 2024, Tasabee đã xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn và đi vào sản xuất”.

Cũng theo chị Ánh Tuyết nhận xét, Lâm Đồng có khí hậu mát, mật được bảo quản tại môi trường thích hợp, chất lượng mật được bảo đảm. Theo chị Võ Thị Ánh Tuyết, con ong đi thu hoạch và sản xuất mật theo mùa, chủ yếu là vào mùa khô, từ tháng 1 tới tháng 7 hàng năm. Vì vậy, vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp tăng cường việc thu mua, xử lý và trữ mật. Sản lượng mật được thu mua sẽ được sản xuất và xuất khẩu quanh năm, cung cấp cho thị trường các quốc gia. Tasabee sản xuất tới 20 tấn thành phẩm/ngày vào mùa cao điểm, mỗi tháng xuất trung bình 10-15 container, có trọng lượng tùy thuộc với nhu cầu của đối tác. Năm 2024, dù gặp rất nhiều khó khăn do việc xây dựng nhà máy mới cũng như các thách thức của thị trường quốc tế, Tasabee đã xuất khẩu được trên 1.000 tấn mật ong các loại. Với một ngành cạnh tranh như ngành mật ong, đây là một con số đáng kể, đánh dấu sự cố gắng của một doanh nghiệp và cả cộng đồng những người chăn nuôi ong mật.

GIỮ HƯƠNG MẬT BAY XA

“Một giọt mật ong, muốn xuất khẩu phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn. Kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, loại trừ các nguy cơ là yêu cầu nghiêm ngặt của ngành xuất khẩu mật ong. Riêng kháng sinh đã cấm rất nhiều loại, mật xuất khẩu sang châu Âu phải có chứng chỉ GMA, mật xuất khẩu sang Hàn Quốc phải có KFDA… Vì vậy, Tasabee kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ, riêng khâu vệ sinh an toàn thực phẩm phải đảm bảo tuyệt đối. Nhà máy của Tasabee đặt tại Khu công nghiệp Lộc Sơn đã có chứng chỉ Iso 22.000, chứng nhận Halal cho mật ong xuất vào thị trường các quốc gia Hồi giáo”, chị Võ Thị Ánh Tuyết cho biết. Theo chị Ánh Tuyết, mật ong Việt Nam rất tốt nhưng có điểm yếu là thủy phần cao. Vì vậy, khi mật ong được nhập về nhà máy, phải qua công đoạn lọc, sau đó hạ thủy phần, đưa mật vào bồn khuấy đều. Sau đó, mật được nghỉ để “tịnh”, không nổi bọt và được chiết ra theo yêu cầu của đối tác. Mật ong rất nặng, 1 l mật nặng trung bình từ 1,3 tới 1,4 kg. Vì vậy, khi đóng mật vào can hoặc chai, những bồn mật nặng nhiều tấn được cân bằng hệ thống tự động.

Chị Ánh Tuyết cũng nhận xét, thị trường nước ngoài như Âu, Mỹ ưa chuộng mật kết tinh. Thị trường châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc có nét giống thị trường Việt Nam, không thích mật ong kết tinh. Vì vậy, khi sản xuất, Tasabee cũng phải chú ý đến sở thích, thị hiếu của từng thị trường.

Năm 2024, vừa xây dựng nhà máy, Tasabee được Ban Quản lý khu công nghiệp Lâm Đồng giới thiệu tới Quỹ khuyến công tỉnh. Được sự hướng dẫn, Tasabee đã được vay 800 triệu đồng để đầu tư, có thêm kinh phí nâng cấp hệ thống cân tự động. Đây là hỗ trợ rất lớn, góp phần giúp Tasabee yên tâm mở rộng nhà máy, gia tăng thu mua mật ong.

Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, nuôi ong là một trong những ngành phát triển của Lâm Đồng. Nhiều doanh nghiệp địa phương đã tham gia xuất khẩu mật ong từ nhiều năm nay, mang lại cho nông dân thu nhập ổn định từ chăn nuôi ong. Vì vậy, khi Tasabee, một doanh nghiệp mật ong xuất khẩu quy mô lớn mở nhà máy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, Sở Công thương đã hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay, góp phần giúp doanh nghiệp nhanh chóng đi vào sản xuất. Bà Cao Thị Thanh cũng đánh giá, Tasabee đã rất nhanh chóng ổn định sản xuất, thu mua rộng rãi sản lượng mật ong của nông dân Lâm Đồng cũng như mật ong của nông dân các vùng ong toàn quốc, nhà máy hoàn thiện và đi vào sản xuất, đưa những giọt mật ngọt vượt đại dương.