Những người nông dân vùng ven TP Đà Lạt đang ngày ngày giữ một truyền thống của ông bà để lại. Ấy là vùng chuyên trồng cây tỏi tím, thứ tỏi củ nhỏ, thơm nồng, cay nhẹ, mang đến cho ẩm thực Việt một hương thơm đặc biệt.
Nông dân đang phát triển diện tích tỏi tím truyền thống |
• GIỐNG TỎI TÍM TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG
Ông Nguyễn Tấn Lập, tổ dân phố Thánh Mẫu, Phường 7, TP Đà Lạt chia sẻ, ông vốn là con em của một gia đình nông dân Thánh Mẫu, những người tới khai phá đất mới lập ấp, trồng những luống rau trên đất sườn đồi. Và, cây tỏi là một trong những cây trồng truyền thống từ đời ông bà ông để lại. Ông cho biết, cây tỏi tím Đà Lạt có đặc trưng củ vừa phải, chắc, vỏ có màu tím, tinh dầu rất đậm đặc, vị cay nhẹ. Hơn 50 năm, cư dân vùng Thánh Mẫu, Đất Mới đã gắn bó với cây tỏi tím. Trải qua bao thăng trầm, nhiều giống tỏi khác nhau được trồng khắp nơi cũng như tỏi nhập khẩu, cây tỏi tím vẫn mang trong mình mơ ước của người nông dân, duy trì một giống tỏi quý địa phương.
“Cây tỏi tím Đà Lạt đặc thù là phải trồng ngoài trời. Tỏi là giống không ưa nước, khi tỏi đang kết củ, gặp mưa, cây bị úng, vàng lá, dẫn đến thối lá chân, củ lép, năng suất kém. Vì vậy, nông dân chúng tôi thường trồng tỏi để thu vào vụ tết”, ông Nguyễn Tấn Lập cho biết. Tỏi tím Đà Lạt có thời gian trồng khá dài, từ 4,5-5 tháng mới được thu hoạch. Vì vậy, người trồng tỏi thường canh xuống giống vào tháng 8, sát tết sẽ có những củ tỏi chắc, mẩy, tím nhẹ và hương thơm nồng nàn.
“Ngày xưa nông dân Thánh Mẫu, Đất Mới trồng tỏi nhiều lắm. Sau này cạnh tranh nhiều, đã có thời điểm cây tỏi tím Đà Lạt vắng bóng trên những mảnh đất truyền thống. Nhưng nhiều hộ, nhất là các ông, các bà vẫn giữ thói quen trồng tỏi tím để tết có thu hoạch. Như ông Mạnh, ông Hiển là những người đã giữ được giống tỏi qua những thời điểm khó khăn. Hiện tại, thị trường đã bắt đầu biết đến và ưa chuộng tỏi tím Đà Lạt. Tới sát tết, sau khi vườn tỏi thu hoạch, phơi khô là chúng tôi đã có đơn vị thu mua. Người trồng tỏi chúng tôi rất tự hào vì danh tiếng của cây tỏi tím Đà Lạt”, anh Nguyễn Văn Đức, một cư dân trồng tỏi đất Thánh Mẫu chia sẻ. Theo anh Đức, tỏi tím Đà Lạt bán tại các siêu thị, các vựa, khi nông dân vừa xuống giống đã có người đặt mua. Vì vậy, nông dân ít phải lo về chuyện đầu ra, chỉ chú trọng vào việc canh tác.
• NÔNG DÂN HỢP TÁC TRỒNG TỎI TÍM
“Cây tỏi tím Đà Lạt ưa thời tiết khô, nắng, nếu trồng gặp mưa nhiều cũng như không có nắng tỏi rất chậm phát triển. Nhưng khác với giống cây ưa khô khác, tỏi không sống được trong nhà lồng. Bản thân tôi đã thử trồng tỏi trong nhà lồng, tỏi bị nứt đầu, không bán được. Vì vậy, tỏi chỉ trồng được vào vụ Đông - Xuân, khi cây tỏi non có thể chịu được lượng mưa, khi tỏi già, trời nắng, tép tỏi lên màu đẹp, củ năng suất cao”, anh Nguyễn Văn Đức nhận xét. Tỏi được lấy giống từ chính những tép tỏi của vụ cũ. Anh Đức thông tin, khi tỏi thu hoạch, sẽ được phơi sơ qua, sau đó buộc thành túm, treo chỗ khô ráo. Tỏi được bảo quản tốt có thể làm giống cho vụ sau cũng như sử dụng trong nấu nướng suốt cả năm, không sợ tỏi mọc mầm hay bị lốp như một số giống tỏi nhập khẩu. Năng suất tỏi tím Đà Lạt đạt khoảng 7-8 tạ/sào.
Khi trồng, người nông dân bóc từng tép tỏi, vùi trực tiếp xuống luống. Mỗi luống tỏi rộng 80 cm, trồng thành 8 hàng. Chỉ sau vài đợt tưới nước đều đặn, tép tỏi nảy mầm, trở thành những cây tỏi nhỏ và lớn mỗi ngày. Ông Vi Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Phường 7, TP Đà Lạt cho biết, cây tỏi tím hiện tại được coi là một thương hiệu tỏi được thị trường ưa chuộng. Để góp phần đồng hành cùng bà con nông dân duy trì và phát huy năng suất, sản lượng cây tỏi, xây dựng thương hiệu tỏi tím Đà Lạt, Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt đã hỗ trợ cho bà con giống tỏi tím. Đồng thời, Hội Nông dân TP Đà Lạt cũng thành lập Tổ hội nghề nghiệp tỏi tím Đà Lạt nhằm hỗ trợ nông dân về vốn, hướng dẫn kĩ thuật, tập trung thành tổ hợp tác để tăng sức sản xuất cũng như cạnh tranh thị trường. Nông dân trong tổ hợp tác gồm 15 người, được Hội hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân là 60 triệu đồng/hộ. Số tiền này, bà con sử dụng để mua thêm phân bón, lắp thêm dàn tưới để việc chăm sóc tỏi dễ dàng hơn.
Cũng từ Tổ hội nghề nghiệp tỏi tím, người trồng tỏi Thánh Mẫu đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. “Khi nông dân thu hoạch tỏi, Hợp tác xã Liên Hằng (Đa Phú, Phường 7, Đà Lạt) sẽ thu mua hết sản phẩm. Hiện tại, thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp trồng tỏi tím Đà Lạt đã có hợp đồng bao tiêu tỏi với Hợp tác xã Liên Hằng. Vì vậy, thành viên rất yên tâm để xuống giống tỏi”, ông Vi Tiến Dũng cho biết. Cũng từ sự kiên trì của người nông dân, quyết tâm duy trì một nguồn giống quý, cây tỏi tím Đà Lạt đã bắt đầu trở lại, đóng góp cho ẩm thực Việt Nam một giống tỏi với hương thơm nồng nàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin