BÁO XUÂN 2025:
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử 

DUY DANH 00:44, 26/01/2025

Là ông chủ của một doanh nghiệp tại nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản nên anh Nguyễn Văn Dung ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà luôn tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, doanh nhân nông thôn Nguyễn Văn Dung đã học hỏi để chuyển đổi số và áp dụng sàn thương mại điện tử góp phần chắp cánh cho nông sản địa phương không ngừng bay xa.

Anh Nguyễn Văn Dung trong vườn nha đam trồng thử nghiệm để sản xuất đưa lên sàn thương mại điện tử
Anh Nguyễn Văn Dung trong vườn nha đam trồng thử nghiệm để sản xuất đưa lên sàn thương mại điện tử

KHỞI NGHIỆP VỚI NGHỀ NÔNG

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Marketing tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2002, anh Nguyễn Văn Dung (sinh năm 1980) đã đi làm cho một số doanh nghiệp tại thành phố mang tên Bác. Tuy làm việc, có thu nhập ổn định nơi đô thị phồn hoa nhưng anh Dung vẫn luôn hướng về quê hương, nơi có tiềm năng lớn phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy, năm 2005 anh Nguyễn Văn Dung đã quyết định trở về quê khởi nghiệp gắn với nghề nông.

Kinh doanh các mặt hàng nông sản tại địa phương, anh Nguyễn Văn Dung nhận thấy, các nhà nông thường chịu cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Người nông dân vất vả “một nắng hai sương” làm ra sản phẩm nhưng khi thu hoạch giá cả lại bấp bênh, không ổn định. Mặt khác, các mặt hàng nông sản địa phương chủ yếu được bán thô và đưa đến nơi khác để chế biến nên giá trị không cao, người tiêu dùng không nắm rõ nguồn gốc và thương hiệu cũng không được khẳng định. Chính vì vậy, anh đã sử dụng nguồn nông sản gia đình sản xuất ra và thu mua thêm của người dân trong khu vực để chế biến, cung cấp cho thị trường như: Cà phê bột, mít sấy, sầu riêng, chanh dây cấp đông...   

Tuy nhiên, để sản phẩm đến được người tiêu dùng và có đầu ra ổn định là một điều khó khăn. Do đó, anh Nguyễn Văn Dung đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài nước. Mặt khác, anh cũng không ngừng đầu tư thiết bị máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng. Bên cạnh đó, anh cũng luôn tìm tòi để đưa một số giống cây trồng mới để về trồng thử nghiệm tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, anh trồng thử nghiệm giống cây nha đam, đang sinh trưởng, phát triển tốt trên đất Lâm Hà và mở ra triển vọng lớn.

Sau một thời gian kinh doanh trên quê hương nhưng doanh thu của doanh nghiệp do anh Nguyễn Văn Dung làm chủ vẫn chưa có sự đột phá và khó khăn trong khâu tạo đầu ra cho sản phẩm vẫn còn, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành. Từ đó, anh Nguyễn Văn Dung đã không theo con đường kinh doanh truyền thống, mà chọn hướng đi mới bằng cách kết hợp sản xuất nông nghiệp với thương mại điện tử.

Anh Nguyễn Văn Dung trong điểm trưng bày 
giới thiệu sản phẩm cà phê đến người tiêu dùng
Anh Nguyễn Văn Dung trong điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm cà phê đến người tiêu dùng

• ĐƯA NÔNG SẢN VƯƠN XA

Năm 2019, anh Nguyễn Văn Dung thành lập Công ty Cổ phần ATOCO để sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Cùng với đó, anh cũng hướng đến giá trị bền vững, khuyến khích sản xuất sạch và bảo vệ môi trường, đồng thời cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, kinh doanh trong kỷ nguyên số, anh Nguyễn Văn Dung cũng đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi để chuyển đổi số trong doanh nghiệp và áp dụng sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Anh Nguyễn Văn Dung đã xây dựng sàn thương mại điện tử ATOCO (atoco.vn). Đây là một giải pháp toàn diện, không chỉ giúp quảng bá và phân phối sản phẩm mà còn thúc đẩy sự minh bạch, kết nối trực tiếp giữa nông dân và người tiêu dùng.

Để có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp của anh Nguyễn Văn Dung đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín thương hiệu. Hiện nay, một số mặt hàng chủ lực được anh đưa lên sàn thương mại điện tử như: Cà phê chất lượng cao, dế thảo mộc và chanh dây đông lạnh. Anh Nguyễn Văn Dung cho biết, doanh nghiệp của anh đã chế biến và lấy thương hiệu là “Cà phê SỐ1.VN” để bán trên sàn thương mại điện tử. Đây là dòng cà phê chín cây, giữ nguyên hương vị tự nhiên với hàm lượng polyphenol cao. Sản phẩm cà phê của anh đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao và hiện đang bán ra thị trường khoảng 2 tấn cà phê bột mỗi tháng. Còn với sản phẩm chanh dây đông lạnh được chế biến bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng, giá trị dinh dưỡng và đã được chứng nhận ISO - 22000. Hiện sản phẩm chanh dây đông lạnh đang được xuất khẩu đi thị trường các nước như: Trung Quốc, Úc với sản lượng khoảng 1.500 tấn mỗi năm.

Đặc biệt, một món ăn dân dã cũng đã được anh Nguyễn Văn Dung sản xuất, chế biến để đưa lên sàn thương mại điện tử đó là món dế. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về nguồn protein thay thế trong thị trường, anh Dung đã đầu tư nuôi và chế biến dế. Hiện nay, doanh nghiệp của anh đang có diện tích hơn 2.000 m2 trang trại nuôi dế thảo mộc. Anh đã sử dụng một số lá cây sẵn có trong tự nhiên để kết hợp làm thức ăn cho dế. Và trước khi thu hoạch khoảng 2 ngày là cho dế ăn hoàn toàn bằng mía cây để đảm bảo độ sạch trước khi chế biến. Hiện nay, anh đang chế biến các sản phẩm từ dế như: bột dế, dế đông lạnh, để không chỉ phục vụ ngành thực phẩm mà còn được sử dụng trong mỹ phẩm và dược phẩm. Ngoài ra, anh cũng đang bán trứng dế trên sàn thương mại điện tử cho những ai có nhu cầu nuôi dế.

Nói về những thuận lợi khi áp dụng sàn thương mại điện tử, anh Nguyễn Văn Dung cho biết, áp dụng sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới. Từ đó, mở ra một thị trường tiềm năng rộng lớn, giúp doanh nghiệp tăng trưởng quy mô hoạt động và thu hẹp khoảng cách về địa lý. Thương mại điện tử cũng cung cấp một nền tảng cho khách hàng tiếp cận và mua sắm mọi lúc, mọi nơi. Với sự phát triển của các thiết bị di động, khách hàng có thể dễ dàng truy cập vào các trang web thương mại điện tử và thực hiện giao dịch mua bán ngay trên điện thoại di động của họ.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử cung cấp cho doanh nghiệp một nền tảng để xây dựng và tăng cường thương hiệu; giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành và quảng cáo so với hình thức kinh doanh truyền thống; cung cấp cho doanh nghiệp khả năng thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng một cách chi tiết; mở ra cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng và đa dạng hóa sản phẩm...

Hiện nay, Công ty Cổ phần ATOCO cũng đang sử dụng blockchain nhằm minh bạch hóa thông tin nguồn gốc và quy trình sản xuất sản phẩm; hỗ trợ đa ngôn ngữ, tối ưu hóa cho người dùng quốc tế. Ngoài sàn ATOCO, doanh nghiệp của anh Nguyễn Văn Dung còn kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn như: lazada, shopee, amazon, mở rộng mạng lưới phân phối.

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, ông Nguyễn Văn Dung là một doanh nhân tiên phong trong việc áp dụng sàn thương mại điện tử để bán mặt hàng nông sản tại địa phương. Với tầm nhìn sáng tạo và tinh thần đổi mới, doanh nhân Nguyễn Văn Dung đã thành công trong việc ứng dụng thương mại điện tử để phát triển và đưa các mặt hàng nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần quảng bá thương hiệu và chắp cánh cho nông sản địa phương không ngừng bay xa.