Đảm bảo hàng hóa và an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025

DIỄM THƯƠNG 06:14, 08/01/2025

Để nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 dồi dào, giá cả ổn định, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp như: Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, mở các điểm bán hàng bình ổn thị trường, nhằm mang đến cho người dân một cái Tết đủ đầy, an toàn.

Lâm Đồng đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa
Lâm Đồng đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa

NGUỒN HÀNG HÓA DỒI DÀO

UBND tỉnh đã có yêu cầu, hàng hoá dự trữ, bình ổn thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Mức dự trữ hàng hóa phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá trên thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của Nhân dân, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá thiết yếu tham gia chương trình bình ổn bằng hình thức tổ chức bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn. Hệ thống phân phối hàng hoá trên địa bàn tỉnh (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa); các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh tạo chuỗi cung ứng đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng được liên tục và ổn định.

Đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với giá cả ổn định trong dịp Tết Nguyên đán, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.Vận động, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia bình ổn thị trường; theo dõi, kiểm tra và hỗ trợ kịp thời tình hình thực hiện bình ổn thị trường của các thành phần kinh tế, bảo đảm hiệu quả.

Dự báo khách du lịch sẽ đến với Đà Lạt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ tăng; dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng so với năm 2024 khoảng 5% tùy nhóm mặt hàng. Nhóm hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường gồm 5 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người dân, du khách; ưu tiên các hàng hóa sản xuất trong nước. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, nguồn hàng lương thực, thực phẩm dự kiến chuẩn bị và dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân và du khách trong cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ước giá trị dự trữ cho 4 nhóm hàng là 1.820 tỷ đồng, gồm: Nhóm lương thực: 66 tỷ đồng, nhóm thực phẩm: 1.378 tỷ đồng, nhóm thực phẩm tươi sống: 210 tỷ đồng, nhóm nông sản: 166 tỷ đồng. Nguồn hàng xăng, dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng được các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh có kế hoạch dự trữ ước đạt 7.000 m3; giá trị ước đạt 139,8 tỷ đồng. 

Toàn tỉnh có 153 điểm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong đó: 4 siêu thị kinh doanh tổng hợp (Siêu thị GO! Đà Lạt, Co.opmart Bảo Lộc, Winmart Bảo Lộc, Winmart Đức Trọng); 82 chợ trải đều khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ; 47 cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng Bách hoá Xanh; 17 cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng Winmart + và 3 cửa hàng chuyên cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Lâm Đồng. Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phủ khắp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tổ chức hoạt động và cung ứng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần bình ổn thị trường.  Có 324 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc 185 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu phủ khắp các địa bàn của tỉnh. Trong tháng 1/2025, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bảo Lộc (Siêu thị Co.opmart Bảo Lộc) dự kiến tổ chức 3 chuyến bán hàng Việt về nông thôn.

• ĐẢM BẢO BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường tuyên truyền về danh sách các đơn vị tham gia bình ổn thị trường, các mặt hàng bình ổn, địa điểm bán hàng bình ổn, giá bán ổn định,… trên các chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng, trang web Sở Công thương. Yêu cầu các doanh nghiệp treo biển nhận diện điểm bán hàng bình ổn để người tiêu dùng nhận diện và tham gia mua sắm, gồm các thông tin: Điểm bán hàng bình ổn, tên đơn vị, thương nhân, thời gian bình ổn; mặt hàng bình ổn bán hàng bảo đảm chất lượng, đúng giá đăng ký, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thực hiện đúng các cam kết với khách hàng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng Việt về nông thôn tại địa bàn xã trên địa bàn tỉnh, với 100% là hàng Việt, như: Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí về điện, tạo điều kiện về mặt bằng...

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cũng sẽ được tăng cường. Các đội kiểm tra liên ngành từ thành phố đến huyện, xã sẽ tập trung vào những nhóm sản phẩm tiêu thụ cao trong dịp Tết như: Thịt và sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, cùng các cơ sở kinh do-anh dịch vụ ăn uống và làng nghề chế biến thực phẩm. Sở Công thương cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc hàng hóa phục vụ Tết nhằm ngăn chặn hàng hóa từ nước ngoài và hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng.