Đổi mới công nghệ xây dựng thương hiệu bánh chưng OCOP

DIỆP QUỲNH 05:38, 02/01/2025

Một thương hiệu bánh cổ truyền của đất nếp quýt Đạ Tẻh đang trong những ngày sản xuất cao điểm. Và, cơ sở sản xuất bánh cổ truyền ấy đã và đang tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng một thương hiệu bánh chưng nổi tiếng.

Chị Lương Thị Huế đưa sản phẩm bánh chưng quảng bá rộng rãi
Chị Lương Thị Huế đưa sản phẩm bánh chưng quảng bá rộng rãi

ỨNG DỤNG MÁY MÓC VÀO QUY TRÌNH SẢN XUẤT BÁNH CHƯNG

Chị Lương Thị Huế, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai đang mải miết với những đơn đặt hàng dồn dập. Chị Huế cho biết, bánh chưng là loại bánh đặc biệt mà gia đình người Việt nào cũng có trong những ngày tết. Vì vậy, những ngày giáp tết là dịp sản xuất cao điểm của gia đình chị. Người phụ nữ trẻ chia sẻ: “Cơ sở sản xuất bánh chưng Lương Huế của gia đình tôi đã có 10 năm kinh nghiệm sản xuất. Nhưng hôm nay, mục tiêu của bánh chưng Lương Huế được nâng cao hơn, đó là xây dựng bánh chưng Lương Huế thành sản phẩm OCOP nổi tiếng, với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cung ứng cho thị trường những chiếc bánh chưng xanh vừa đẹp, vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm. Bánh chưng là loại bánh rất đặc biệt, vừa phải đảm bảo kĩ thuật nấu, nguyên liệu truyền thống để giữ được hương vị cổ truyền. Đồng thời, chúng tôi vẫn phải ứng dụng khoa học - công nghệ cao, hướng tới sản xuất lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu”, chị Lương Thị Huế chia sẻ.

Chị Huế cho biết, bánh chưng Lương Huế được nấu củi, gói từ hạt nếp quýt Đạ Tẻh, đậu xanh cũng như thịt heo của chính nông dân địa phương. Còn lá dong, thứ lá đặc trưng của bánh chưng cũng được thu hái từ những nhà vườn trong khu vực. Tuy nhiên, khác với những gia đình gói bánh chưng theo hướng truyền thống, cơ sở bánh chưng Lương Huế đang đầu tư áp dụng máy móc, hướng tới sản xuất lớn. Lá muốn đẹp, mềm, giữ màu lâu phải có máy ép màu lá. Đây là loại máy ép giúp lá đẹp và mềm, vừa dễ gói, bánh chưng sẽ có màu sắc đẹp.

“Đồng thời, để bảo quản bánh lâu dài, chất lượng được bảo đảm, chúng tôi lắp đặt máy ép chân không công suất lớn để bảo quản bánh. Máy thái thịt cũng phải đặt mua công suất lớn để đảm bảo những thớ thịt heo được cắt vừa đẹp, vừa đủ trọng lượng. Cơ sở Lương Huế đang cải thiện quy mô sản xuất, mở rộng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền thiết bị để định hướng sản xuất lớn”, chị Lương Thị Huế chia sẻ. Chị Huế cho biết, với 10 năm chuyên làm bánh cung cấp cho thị trường, cơ sở Lương Huế đã hình thành được thương hiệu bánh chưng khá uy tín trong cộng đồng Đạ Tẻh.

• XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐỘC QUYỀN

“Nếu những gia đình khác chỉ gói và nấu bánh vào dịp cuối năm thì cơ sở chúng tôi cung cấp bánh chưng quanh năm, đảm bảo nhu cầu ăn bánh hàng ngày cũng như nhu cầu trong đám cưới, đám giỗ, các bữa tiệc gia đình. Hương vị nếp quýt Đạ Tẻh mềm, dẻo, thơm đã được gói ghém trong tấm bánh chưng Lương Huế. Mỗi ngày, bánh Lương Huế đã đến với rất nhiều bữa ăn gia đình, cũng là niềm tự hào của chúng tôi”, chị Lương Thị Huế tự hào. Chị cũng cho biết, nếu sử dụng nếp quýt mới thu hoạch, bánh rất ngon và thời gian luộc ngắn. Còn sử dụng nếp cũ, công đoạn xử lý phải dài hơn, thời gian luộc lâu hơn, bánh mới rền, dẻo, ngon.

Bánh chưng Lương Huế đã xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao, chị Lương Thị Huế tự hào chia sẻ. Để xây dựng nhãn hiệu OCOP, bánh chưng Lương Huế tập trung cải thiện rất nhiều khâu, từ máy móc phục vụ dây chuyền sản xuất, đảm bảo phòng, chống cháy nổ cho tới các quy trình sản xuất được chuẩn hóa. Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cũng đã giúp cơ sở sản xuất bánh chưng Lương Huế đánh giá lại toàn bộ hệ thống máy móc cũng như quy trình sản xuất, giúp cơ sở hệ thống lại và điều chỉnh cho hợp lý. “Bánh truyền thống cũng phải ứng dụng tiến bộ khoa học - kĩ thuật, ngày càng nâng cao chất lượng và năng suất của sản phẩm. Chúng tôi đang tiến hành mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng mang thương hiệu Lương Huế tại TP Bảo Lộc cũng như hướng tới thị trường TP Đà Lạt, vì vậy, phải ứng dụng công nghệ cao, sản xuất những chiếc bánh đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm”, chị Lương Thị Huế đánh giá.

Chị Huế cũng cho biết, chị nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai, từ Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu để bảo hộ độc quyền thương hiệu bánh chưng Lương Huế. Đây cũng là động lực góp phần thúc đẩy người phụ nữ đất nếp quýt ngày càng sáng tạo, đưa tới cho người tiêu dùng một thương hiệu bánh chưng truyền thống ngon, sạch, đẹp.