Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển 

VIẾT TRỌNG 06:13, 08/01/2025

Lâm Đồng trong nhiều năm nay luôn xác định ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại của tỉnh thông qua các hoạt động được tổ chức hằng năm; qua các chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong những lĩnh vực cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Vương quốc Hà Lan trong tháng 3/2024
UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Vương quốc Hà Lan trong tháng 3/2024

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH
  
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh luôn duy trì tích cực việc triển khai các chương trình, kế hoạch về hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài thông qua các chương trình, hoạt động hằng năm như tổ chức kết nối giao thương với các đối tác nước ngoài và các kênh phân phối nước ngoài ở Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ - triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài; cung cấp thông tin về thị trường theo ngành hàng nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Như trong năm 2024, Lâm Đồng đã vận động doanh nghiệp trong tỉnh tham gia tổng cộng 92 chương trình hội chợ, hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Điển hình trong đó có thể kể đến như: Hội chợ thực phẩm và đồ uống Trung Quốc 2024; Triển lãm và hội thảo quốc tế về công nghệ sản xuất, chế biến rau, hoa quả tại Việt Nam; hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam - Hoa Kỳ -America Expo 2024; tham gia đoàn khảo sát xúc tiến thương mại và đầu tư tại các quốc gia ở châu Âu như: Áo, Đức, Pháp, Bỉ và Hà Lan năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh còn tham dự các sự kiện lớn như: Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024; tham gia phái đoàn xúc tiến thương mại tại Bulgaria và Kazakhstan; tham gia khảo sát thị trường, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu thị trường Halal và tham gia hội chợ MIHAS tại Malaysia năm 2024; tham gia triển lãm thương mại quốc tế UP tại Ấn Độ…

Tỉnh đã cập nhật danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh cho năm 2024 và các năm tiếp theo; cập nhật thông tin doanh nghiệp, giới thiệu các chính sách về thu hút, ưu đãi đầu tư, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, thương mại.

Trong năm 2024, Lâm Đồng đã tổ chức thành công Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ III và đặc biệt là Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X, thu hút một lượng rất lớn du khách đến Lâm Đồng- Đà Lạt. Tổng lượt du khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng trong năm 2024 khoảng 10 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khách quốc tế khoảng  600 ngàn lượt, tăng 50% so với năm 2023.

Tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh năm 2024 đạt khoảng 985,7 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100,1% kế hoạch năm 2024, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là alumin, cà phê nhân, rau, hoa, chè, hàng may mặc… Hàng nhập khẩu của tỉnh khoảng 247,54 triệu USD, tăng 43,83% so với cùng kỳ.

Đến thời điểm này, Lâm Đồng có 98 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư 12.702 tỷ đồng (tương đương 583,1 triệu USD), quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 2.247 ha. Đến nay đã có 87 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động; 10 dự án đang hoàn thành. Những dự án này theo ngành chức năng tỉnh đang hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương và giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện tương đối tốt các quy định của Nhà nước về môi trường, đất đai, xây dựng; thực hiện các chế độ, chính sách như Bảo hiểm xã hội, tiền lương, bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn với người lao động theo quy định.

Với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn Lâm Đồng có 4 dự án - chương trình có tổng mức đầu tư 1.767,8 tỷ đồng, trong 4 dự án này, đã có 3 dự án hoàn tất, đi vào hoạt động. Quốc gia có mức đầu tư ODA lớn nhất tại Lâm Đồng là Nhật Bản

• ĐỂ DU LỊCH VÀ GIAO THƯƠNG TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN

Như đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành của tỉnh; việc triển khai kịp thời các chương trình, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, kích thích sản xuất, đầu tư, đã giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, năm 2024 với những biến động về chính trị, lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới nên nhu cầu hàng hoá giảm, dẫn đến sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều, chi phí nhân công cao, giá xuất khẩu của một số mặt hàng biến động mạnh, chi phí hậu cần kho bãi ở cảng biển quốc tế lại tăng cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh như hạt điều chẳng hạn giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn, hạn chế đầu tư, ít doanh nghiệp mới, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở mức độ sơ chế nên chưa phù hợp với chính sách hỗ trợ...

Cùng đó, các hoạt động tổ chức đoàn đi nước ngoài, các sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh trong thời gian qua phần lớn còn trong giai đoạn kết nối, tìm hiểu, mời gọi các đối tác nước ngoài; quảng bá về địa phương, về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư của tỉnh; vẫn chưa thu hút được các đối tác lớn, có tiềm lực dồi dào, có công nghệ tiên tiến nhằm cải tiến công nghệ, tạo ra các sản phẩm mới, đặc trưng. Chưa có nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án quy mô lớn, loại hình mới lạ, hấp dẫn; môi trường đầu tư chưa hấp dẫn; các sản phẩm du lịch địa phương còn đơn điệu, trùng lắp.

Trong thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ; cho rà soát, bổ sung danh mục các dự án thu hút đầu tư đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án lớn, có tầm ảnh hưởng rộng. Tiếp tục cho rà soát các dự án đầu tư đã được chấp thuận, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào hoạt động; đồng thời xem xét, thu hồi các dự án đầu tư chậm tiến độ, không thực hiện đúng chủ trương đầu tư đã cấp.

Đồng thời, tiếp tục vận động, thu hút các nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO); vận động thu hút các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh. Mục tiêu của tỉnh đặt ra trong thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới phải có chọn lọc, ưu tiên đối với dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, dự án có trình độ công nghệ hiện đại, có tiềm năng tài chính mạnh để đảm bảo phát triển bền vững, xanh, sạch, theo chiều sâu.

Trong dịp này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện cho Lâm Đồng tiếp tục kết nối giao thương, tiếp xúc đa phương, song phương với các quốc gia, các đối tác quốc tế có kinh nghiệm, có tiềm lực; tiếp cận các chương trình hợp tác, đối tác tiềm năng để thiết lập các quan hệ hợp tác mới, thu hút đầu tư nước ngoài, vận động viện trợ phi chính phủ. Đồng thời, hỗ trợ  tỉnh trong thẩm định năng lực tài chính, tư cách pháp lý của các tổ chức đến hoạt động tại địa phương.

Trung ương cũng cần nghiên cứu, tiếp tục có những chính sách phù hợp cho vùng Tây Nguyên trong cơ chế mời gọi đầu tư nước ngoài; thúc đẩy tiến độ đầu tư đường cao tốc; tạo điều kiện trong các hoạt động và mở thêm các đường bay, tuyến bay từ Cảng  hàng không quốc tế Liên Khương đến các địa phương trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và giao thương.