Nghị quyết 310/2024/NQ-HĐND do Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 12/7/2024 (Nghị quyết 310), Quy định đối tượng được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đã khắc phục những khó khăn về nguồn vốn và đối tượng tiếp cận, giúp cho hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) ở Lâm Đồng hiệu quả hơn, từ việc triển khai TDCS đến việc bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay…
Lâm Đồng đang phấn đấu tăng tỷ lệ nguồn vốn ủy thác cho vay qua NHCSXH lên 20% từ năm 2030 |
• TRƯỚC KHI CÓ NGHỊ QUYẾT 310
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đến 30/6/2024 là hơn 623,9 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng nguồn vốn (ngân sách tỉnh hơn 354,2 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 260,2 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam hơn 9,4 tỷ đồng) chủ yếu theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và một số đối tượng đặc thù theo Nghị quyết 101/2022/NQ-HĐND của địa phương. NHCSXH các cấp đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, gắn kết với mục tiêu của chương trình quốc gia; bố trí và ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho NHCSXH, đặc biệt là tại các điểm giao dịch xã; việc phân bổ vốn được thực hiện theo quy định, có giao kế hoạch tín dụng đến các cấp…
Doanh số cho vay từ đầu năm đến 30/6/2024 đạt trên 141,7 tỷ đồng/1.878 lượt hộ vay. Tổng dư nợ đạt 613,4 tỷ đồng/10.383 khách hàng, tăng 17,6% so với đầu năm. Nguồn vốn đã tạo cơ hội cho người nghèo thoát nghèo, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và tiếp cận dịch vụ xã hội; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững…
Tuy nhiên, nguồn vốn ủy thác vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là nhu cầu tạo việc làm; một số đối tượng gặp khó khăn chưa được tiếp cận vốn, bao gồm; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, vừa thoát khỏi xã khó khăn nhưng đời sống vẫn còn khó khăn; hộ gia đình đang ở mức sống trung bình có từ 2 học sinh, sinh viên trở lên gặp khó khăn tài chính…
• TỪ KHI TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 310
Vì vậy, Nghị quyết 310 được ban hành phù hợp với định hướng phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh và NHCSXH tỉnh đã ban hành các văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 310 từ tỉnh đến cấp xã…; phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp kết quả đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2025, chuyển ủy thác theo Nghị quyết 310 cho các Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố.
Từ khi triển khai Nghị quyết 310/2024/NQ-HĐND, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH đã tăng thêm. Tính đến 31/12/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt trên 659,7 tỷ đồng, tăng 137,4 tỷ đồng (+26,3%) so với đầu năm, hoàn thành 298,8% kế hoạch, chiếm 10,7%/tổng nguồn vốn, trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh 371,9 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 278 tỷ đồng, nguồn vốn Ủy ban MTTQ Việt Nam trên 9,8 tỷ đồng.
Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trong năm đã tạo điều kiện cho cho 479 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình được vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết 2.052 lao động, giúp cho 6 lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ cho 62 hộ gia đình có 2 học sinh, sinh viên trở lên vay vốn trang trải chi phí học tập, xây dựng trên 75 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn góp phần cải tạo môi trường sống 75 hộ gia đình nghèo được vay vốn làm nhà ở theo Nghị định 28/NĐ-CP, 32 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất, kinh doanh tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, 157 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cư trú tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được vay vốn vươn lên thoát nghèo bền vững (thống kê đến 30/11/2024).
Việc triển khai Nghị quyết 310 đã được thực hiện một cách tích cực và đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, qua rà soát nhu cầu thực tế tại cơ sở, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đề xuất ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh năm 2025 là 180 tỷ đồng và từ năm 2025 trở đi hàng năm tăng từ 10% trở lên so với số vốn ủy thác phát sinh thực tế của năm trước liền, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác địa phương chiếm 20% tổng nguồn vốn, để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin